Nắng gay gắt, người lớn, trẻ em thi nhau bệnh

Những ngày qua, nhiệt độ ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam tăng cao, ban ngày có thể lên đến 37 độ C kèm theo chỉ số tia cực tím cực đại (UV) trong nắng có hại cho sức khỏe. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những ngày tới nắng nóng ở Nam bộ còn tiếp diễn.

Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng độ nặng

Cách đây vài ngày, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố tiếp nhận một bé gái (15 tháng tuổi, ngụ Bạc Liêu) trong tình trạng trụy tim mạch tuần hoàn, tim nảy trên 200 lần/phút, phải thở máy, dùng thuốc vận mạch và lọc máu liên tục.

Trước nhập viện ba ngày, bé sốt cao kèm ói, giật mình chới với nhưng gia đình chủ quan chưa đưa bé đi BV. Chỉ đến khi bé rơi vào lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông thì người nhà mới hốt hoảng đưa vào BV ở tỉnh, sau đó chuyển tuyến lên BV Nhi đồng Thành phố. Sau hai ngày lọc máu liên tục, tình trạng bé cải thiện dần, hết sốt, nhịp tim bình thường, cai được máy thở.

Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1 gần một tháng nay cũng ghi nhận nhiều ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) độ nặng (độ 2B, độ 3) do nhập viện trễ. Trong đó, có ba bệnh nhi có biến chứng tim mạch gây cao huyết áp. Hiện hai bệnh nhi trong số này đã ổn định, bé còn lại đang nặng, cần điều trị tích cực.

Theo các bác sĩ, chủng virus TCM gây bệnh cho trẻ trong đợt nắng nóng hiện tại là Enterovirus, thường gây biến chứng nặng. BS Dư Tuấn Quy, Phó Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 2, cảnh báo thời điểm nắng nóng tạo điều kiện cho virus lây bệnh TCM phát triển. Trong thời điểm trẻ quay trở lại trường học và môi trường tiếp xúc gần, bệnh có nguy cơ lây lan cho nhiều trẻ hơn. BS Quy khuyên phụ huynh cần để ý các dấu hiệu bệnh TCM để đưa trẻ đi thăm khám kịp thời.

Tại BV Nhi đồng 2, các bác sĩ cho biết bệnh nhi nhập viện do bệnh hô hấp chưa có xu hướng tăng nhưng dự báo với thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm tăng cao, số ca bệnh hô hấp sẽ tăng. BS Lê Thị Thanh Thảo, Phó Khoa hô hấp 1 BV Nhi đồng 2, cho biết khoa đang có nhiều ca bị viêm họng, viêm đường hô hấp trên, một số bị viêm phổi.

“Để phòng ngừa bệnh lý hô hấp, nên tạo thói quen vệ sinh rửa tay, vệ sinh thân thể cho bé vào mùa nắng nóng thường xuyên hơn. Không cho trẻ chơi ngoài nóng trong thời gian dài, đặc biệt từ 10 giờ đến 16 giờ vì trẻ dễ bị mất nước, dễ bị virus tấn công gây bệnh đường hô hấp, bệnh về da. Không nên cho trẻ sử dụng máy lạnh nhiều, nếu có để nhiệt độ vừa phải và cho trẻ uống đủ nước” - BS Thảo khuyến cáo.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại phòng cấp cứu Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 1. Ảnh: HL

Tại các BV nhi ở TP.HCM, mặc dù chưa vào mùa bệnh TCM nhưng các BV như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố đã bắt đầu tiếp nhận các ca bệnh. Tuy số lượng ca nhập viện không nhiều nhưng nhiều ca trong số đó lại diễn tiến nặng, có biến chứng.

Viêm da, đột quỵ bắt đầu tăng

Không chỉ gây nhiều khó chịu cho trẻ nhỏ, nắng nóng cũng tác động đến sức khỏe người lớn và người lớn tuổi. BS Bùi Mạnh Hà, Phó Khoa khám bệnh, BV Da liễu (TP.HCM), cho biết thời tiết nắng nóng không chỉ số ca nhập viện do viêm da tăng mà các bệnh lý khác cũng tăng theo và nặng hơn.

Khoa khám bệnh thời gian gần đây ghi nhận khá nhiều bệnh nhân bị sạm da, viêm da, nhiễm vi nấm, lang ben, dị ứng, nổi mụn, ngứa... do tiếp xúc với ánh nắng, mồ hôi, môi trường bụi bặm, nóng ẩm. Trong đó, có những người bị viêm da và cháy nắng do công việc đặc thù phải làm việc ngoài trời và phơi nắng lâu.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng cũng làm cho cơ thể tiết nhiều mồ hôi, bã nhờn gây kích thích các bệnh như viêm da tiếp xúc, vảy nến, viêm nang lông, mụn trứng cá, gàu da đầu... nặng hơn. BS Hà khuyến cáo giải pháp hạn chế viêm da là giữ cho cơ thể thoáng mát, lựa chọn quần áo thấm hút mồ hôi, hạn chế tiếp xúc bụi bặm.

BS Tạ Vương Khoa, Phó Trưởng Khoa nội thần kinh BV Quân y 175, cho biết mỗi năm, vào các giai đoạn thời tiết nắng nóng, số người cao tuổi nhập viện do đột quỵ thường tăng. Hiện Khoa nội thần kinh của BV mỗi ngày đều tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, trong đó thời tiết nắng nóng có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy bệnh dễ xảy ra. Cụ thể, khi trời nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều làm cơ thể mất nước nhiều hơn nên có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch, gây đột quỵ cấp, nhất là trên đối tượng tiềm ẩn sẵn các yếu tố nguy cơ hình thành cục máu đông. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang từ trong phòng máy lạnh bước ra ngoài trời nắng nóng cũng có thể gây sốc nhiệt, co thắt mạch hệ thống làm huyết áp tăng cao đột ngột cũng là yếu tố thúc đẩy đột quỵ” - BS Khoa nói.

Không chủ quan với bệnh tay-chân-miệng

Virus gây bệnh TCM lây lan rất nhanh, truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường miệng, phân, nước bọt, chất tiết từ mũi, miệng của trẻ mắc bệnh. Bệnh TCM thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng.

Các dấu hiệu nghi ngờ của bệnh là trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói đau miệng, nổi mụn nước hoặc hồng ban ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối, lở trong miệng, giật mình trên hai lần trong vòng 30 phút... Bệnh TCM độ nặng thường gây biến chứng thần kinh lên tim mạch làm cao huyết áp hoặc run giật, yếu liệt chi.

BS DƯ TUẤN QUYPhó Khoa nhiễm-thần kinh BV Nhi đồng 2

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm