Mùa hè năm nay thật khó khăn khi người dân nhiều khu vực trên thế giới đang phải vật lộn với những đợt nắng nóng kỷ lục bất thường và hứng chịu nhiều hậu quả vì hiện tượng thời tiết cực đoan này.
Nóng từ Âu, Mỹ, sang Á
Theo thông tin từ trang UN News của Liên Hợp Quốc (LHQ), mùa nắng nóng năm nay ở châu Âu đến sớm hơn dự kiến. Chỉ mới giữa tháng 6, nhiệt độ nhiều khu vực ở Tây Ban Nha và Pháp đã cao hơn 10 độ C so với mức trung bình các năm trước. Giữa tháng 7, hàng loạt nước tây Âu báo động về mức nhiệt cao bất thường. Anh ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia, ra cảnh báo mức cao nhất về nắng nóng, nghĩa là người khỏe mạnh cũng có thể tử vong do sốc nhiệt và nắng nóng có thể ảnh hưởng đến hệ thống y tế.
|
Máy bay cứu hỏa rải chất để dập đám cháy rừng ở tỉnh Gironde (Pháp) vào ngày 16-7. |
Mỹ giữa tháng 6 ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục nhiều khu vực, đặc biệt ở phía tây nam. Tháng 7, theo cơ quan khí tượng Mỹ, nắng nóng lan đến miền nam và miền đông, khiến 14% dân số Mỹ - khoảng 46,3 triệu người phải chịu đựng mức nhiệt nguy hiểm, trên 39,5 độ C. Nhiều TP lớn phải vật lộn với sức nóng kỷ lục. Ví dụ, chiều 24-7, TP Boston ghi nhận mức nhiệt 37,7 độ C - cao nhất trong 89 năm qua. Ngày 26-7, TP Seattle ghi nhận nhiệt độ 34,4 C độ C, vượt kỷ lục 33,3 độ C năm 2018. Khả năng nắng nóng vẫn sẽ tiếp tục, đặc biệt ở thủ đô Washington D.C., TP New York và Boston.
Trung Quốc từ tháng 6 đã bắt đầu ghi nhận nền nhiệt cao kỷ lục ở nhiều khu vực, theo trung tâm khí tượng quốc gia. Tính đến giữa tháng 7, hơn 900 triệu dân, đặc biệt dân sống ở lưu vực sông Dương Tử, phải chịu đựng nắng nóng bất thường. Dân nhiều TP lớn như Thượng Hải, Thành Đô, Quảng Châu đã phải chịu cái nóng trong hơn một tháng với nhiệt độ có khi lên tới 44 độ C.
Nhật từ cuối tháng 6 bắt đầu phải chống chịu với nền nhiệt cao ở các khu vực phía tây đến đông bắc. Lúc này, thủ đô Tokyo đã ghi nhận mức nhiệt là 35 độ C, cao nhất kể từ năm 1875, theo đài NHK. Trước đó, Ấn Độ và Pakistan đã phải trải qua đợt nắng nóng cực đoan kéo dài hai tháng bắt đầu từ tháng 3, với nhiệt độ nhiều nơi trên 40 độ C.
Đợt nắng nóng ở châu Âu không phải là mùa hè mà là hỏa ngục và sẽ sớm thành dấu chấm hết cho loài người nếu chúng ta không hành động chống biến đổi khí hậu.
Thượng nghị sĩ Pháp MÉLANIE VOGEL viết trên Twitter
Người chết, rừng cháy
Đã rất nhiều người không thể cầm cự được trước hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm này. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 22-7 đã có hơn 1.700 người ở Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha chết vì nắng nóng. Nắng nóng còn gián tiếp gây ra những sự cố thương tâm, như việc 13 người Anh chết đuối khi ngâm mình trong nước để làm mát. Ở Mỹ, nhiệt độ cao trong tháng 7 đã khiến 19 chết. Ấn Độ ghi nhận 25 người thiệt mạng và Pakistan có 65 người chết, theo đài CBS News.
Cơ sở hạ tầng chịu tác động nặng do nắng nóng, đặc biệt ở những nước châu Âu, bởi kiến trúc khu vực này chỉ chịu được trong thời tiết lạnh. Tại Anh, sức nóng làm đường tàu biến dạng hoặc cháy, đường băng chảy nhựa.
Một hệ lụy nguy hiểm nữa là cháy rừng. Hàng chục ngàn hecta rừng ở nhiều nước châu Âu bốc cháy. Theo Hệ thống thông tin về cháy rừng châu Âu (EFFIS), 19 nước trong khu vực ở trong tình trạng vô cùng nguy hiểm do cháy rừng, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hy Lạp.
Trước tình hình này, các chính phủ tập trung nguồn lực khắc phục. Anh đưa ra kế hoạch hành động yêu cầu Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), chính quyền địa phương, các cơ quan dịch vụ công phối hợp đảm bảo an toàn cho người dân. Ở Trung Quốc, trước nhu cầu sử dụng điện tăng trong mùa nắng, Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi tăng cường khai thác than, sản xuất điện để ngăn tình trạng mất điện mùa cao điểm.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp tạm thời. Nhiều nhà khoa học cho rằng “gốc rễ” của hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài này là do tình trạng biến đổi khí hậu và phát thải nhà kính tăng. Do đó, cần thiết phải ngăn Trái đất nóng lên và có những giải pháp bền vững để thích nghi. Với mục đích đó, ngày 20-7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch đối phó nắng nóng, chi 2,3 tỉ USD xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng điện gió và tăng cường hỗ trợ người thu nhập thấp chống chọi với nắng nóng, như cung cấp điều hòa, xây dựng trung tâm làm mát.•
Nơi chật vật vì nóng, nơi oằn mình do mưa
Theo đài CNN, tại Trung Quốc cuối tháng 6, trong khi nhiều nơi nóng kỷ lục thì ở khu vực miền nam phải hứng chịu những trận mưa lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Ở Quảng Đông, trong khi TP Quảng Châu oằn mình với nắng nóng thì nhiều khu vực khác lại mưa lớn gây ngập lụt khiến 177.600 người phải sơ tán, 1.729 ngôi nhà bị phá hủy,
2.713 ha cây trồng bị thiệt hại.
Đầu tháng 7 lũ lụt hoành hành ở các vùng phía đông của Úc, đặc biệt là ở bang New South Wales sau trận mưa lớn kéo dài năm ngày. Một số khu vực ghi nhận lượng mưa
800 mm, cao hơn mức trung bình hằng năm của Úc là 500 mm. Theo hãng tin Reuters, khoảng 60.000 người dân ở bang này, chủ yếu ở các vùng ngoại ô phía tây TP Sydney, phải sơ tán. Tại Mỹ ngày 13-6, lũ lụt nghiêm trọng đã quét qua công viên quốc gia Yellowstone và một số khu vực xung quanh ở bang Montana, làm hư hại hàng trăm ngôi nhà.