Sở Du lịch TP.HCM vừa công bố bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch. Tám điều quy định ngắn gọn, dễ trình bày trên những vật dụng có thể mang theo trong chuyến du lịch. Nhìn chung, đây là một bộ quy tắc cơ bản, giản dị và cần thiết. Ai cũng mong hạn chế những hiện tượng phản cảm diễn ra trên đường phố, tại những điểm du lịch nhưng hạn chế bằng cách nào: Quy định, xử phạt, nhắc nhở hay ngăn cấm… đều có những cái khó riêng. Cái khó không chỉ xuất phát từ khách mà còn từ “chính chủ”.
Phụ lòng khách đến
Chúng ta nhắc nhở du khách đến thăm đất nước của mình phải tuân thủ quy tắc, phải theo những quy định. Nhưng đối với những quy tắc, quy định trên, người dân mình cũng vi phạm nhiều. Đã có chuyện thuyền du khách trên kênh Nhiêu Lộc bị la ó, mắng chửi, thậm chí bị ném đá. Thưởng ngoạn TP trên dòng kênh ấy là một điểm mới của du lịch đường thủy, bao nhiêu cố gắng, tiền bạc, công sức của cả TP đổ ra mới có được dòng kênh như ngày hôm nay nhưng bước tiếp một bước nữa: Khai thác vẻ đẹp của dòng kênh ấy thì vướng phải nhận thức, vướng phải tính cục bộ, kiểu cách hành xử hung bạo, vô trách nhiệm trong một bộ phận người dân. Khó có thể đảm bảo an toàn tối thiểu cho du khách, nói chi đến việc du ngoạn.
Những du khách ngày đầu đến TP thường ngạc nhiên, thú vị nhìn dòng xe máy lưu thông ken dày, chật cứng. Họ quay phim, chụp ảnh dòng xe ấy. Nhưng những ngày tiếp theo, nhiều người khiếp hãi về tình trạng giao thông này. Đã từng xảy ra tai nạn, đã từng diễn ra những chuyện móc túi, giật dọc. Vế đầu tiên trong nguyên tắc thứ nhất của bộ quy tắc: “Tuân thủ pháp luật”, trước hết nên dành cho người dân xứ mình. Chỉ khi nào nguyên tắc ấy trở thành nền nếp được cộng đồng tôn trọng, tồn tại như nền tảng cơ bản của từng người thì mới có thể hy vọng tạo thành nếp sống, nếp cư xử có sức tác động mọi lúc, mọi nơi và có sức hướng dẫn mặc định với khách.
Ngay cả dân mình vào nơi tôn nghiêm cũng ăn mặc không lịch sự thì khó tạo nền nếp để tác động tới du khách. Trong ảnh: Một phụ nữ diện quần short khi vào chùa. Ảnh: HTD
Lôi thôi trong nhà mình
Xung quanh bộ quy tắc trên đã có những ý kiến cho rằng cần thêm một bộ quy tắc dành cho người Việt khi ra nước ngoài, đi sang xứ người. Nhưng cũng có ý kiến không đồng tình bởi đó là điều thừa. Đi đâu thì đã có luật lệ của nơi ấy, nhập gia tùy tục, làm sao phải soạn và làm sao soạn cho nổi cái bộ quy tắc cho hành xử của cá nhân ở các nền văn hóa khác, các quốc gia khác! Chẳng ai tin chuyện một người ở nhà mình, ở đất mình vốn đã quen cư xử thiếu chuẩn mực, tùy tiện, thô lỗ mà lúc đi sang nhà người khác, ở đất nước khác, được phát cho một bộ quy tắc, bỗng nhiên trở thành người rất văn minh, cư xử có văn hóa! Vì vậy xin hãy xây, hãy giữ cái nền tảng văn minh văn hóa ấy ở ngay trên đất mình cho thật tốt đi đã, rồi hãy nghĩ tới việc mang theo cái nền tảng ấy đến xứ người. Vậy nên không cần thiết soạn những bộ quy tắc thiếu thực tế.
Thật ra đâu phải chỉ du khách mới cần nhắc nhở! Trong khung cảnh chùa chiền trang nghiêm, hay đến nơi công quyền, vẫn có thể thấy các bà, các chị xứ mình mặc những bộ đồ bộ nhũn nhẽo, lôi thôi, đi đứng tự nhiên. Buổi chiều trong hẻm, các quý ông ở trần, mặc quần tà lỏn vẫn vô tư bày bàn ngồi nhậu, đánh cờ, rồi sẵn tiện xách xe chạy ào đi công chuyện. Bản thân người mình chưa tạo được hình ảnh đẹp mắt, nghiêm túc, chưa thể hiện được sự tôn trọng dành cho chính quê hương, di sản văn hóa của mình, sự lôi thôi thiếu nghiêm túc dần là một thói quen khó sửa. Nhưng nhìn sang đất nước bạn, thấy họ đã quyết liệt sửa và sửa được, bằng những hệ thống an sinh đồng bộ, bằng tuyên truyền giáo dục và bằng những chính sách thưởng phạt công minh không có du di tiêu cực phí. Sửa mình trước khi sửa người, đó cũng là một quy tắc chúng ta cần tuân thủ.
Xem ra bộ quy tắc khó nhất của người Việt nằm trong chính mỗi người Việt!
Theo Sở Du lịch TP, gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng ném đá, chai đựng nước tiểu xuống thuyền du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có văn bản giao Công an TP khẩn trương chủ trì, phối hợp với các quận liên quan điều tra làm rõ và xử lý, không để tình trạng trên tái diễn. |