Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đưa tin “Nhiều người tụ tập ném đá vào ô tô chạy trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo”. Tin phản ánh việc người dân ở xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa tụ tập ném đá vào các ô tô đang di chuyển trên cao tốc. Một số người còn tự ý cắt, tháo hàng rào hai bên cao tốc để gia súc đi qua, chăn thả gia súc trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Vụ việc trên khiến nhiều người điều khiển phương tiện giao thông và nhiều độc giả bức xúc và lo lắng.
Bạn đọc Bình Minh bình luận: “Vụ việc này năm nào cũng có, giống vụ ở cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, 7 đối tượng ném đá trên cao tốc vào các xe đang chạy làm một người bị thương. Tôi thiết nghĩ nên đưa lên bản tin thời sự hoặc báo chí chính thống giải thích rõ việc làm này xử phạt như thế nào để họ biết, nhằm hạn chế những hành động đáng tiếc”.
Nhiều vụ ném đá xảy ra trên các tuyến cao tốc Việt Nam
. Khoảng 19 giờ ngày 8-1-2024, các tài xế đang lưu thông trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đoạn thuộc xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, Tiền Giang) tá hoả khi một nhóm thanh niên liên tục ném đá vào xe đang chạy. Một người trên xe đã bị thương.
. Tối 15-2-2023, anh TA (ngụ tỉnh Thái Nguyên) lái ô tô đi trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình (hướng từ Ninh Bình về Hà Nội), với tốc độ 100 km/h. Khi đến Km 226, xe bị hòn đá nặng khoảng 1 kg rơi trúng làm vỡ kính xe, nghi bị người lạ ném đá từ trên cầu vượt trúng ô tô.
. Rạng sáng 21-11-2019, tài xế ô tô tải biển số 34C-24298 tới trạm thu phí BOT trên đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn trình báo việc bị ném đá khi lưu thông trên cao tốc này.
Bạn đọc Thanh Tuấn bình luận: "Nên phân quyền an ninh cho ban quản lý tuyến đường được phép bắt những đối tượng vi phạm này, rồi chuyển lên cơ quan công an xử lý. Hành động ném đá xuống cao tốc là hành động cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng. Đừng đợi tai nạn thương tâm, rồi mới giải quyết thì quá muộn rồi”.
Bạn đọc Trí Minh bình luận: "Là một tài xế đường dài, tôi thấy phải phạt thật nặng, giống như mức phạt đối với người có nồng độ cồn khi tham gia giao thông, kể cả trường hợp vứt rác ra môi trường, hút thuốc nơi công cộng, chó thả rông,… và đến những trường hợp như thế này. Khung hình phạt phải có tính răn đe, nếu không phạt nặng hay cho lao động công ích đối với người vi phạm thì tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trong đời sống sẽ tái diễn hoài".
Bạn đọc Huỳnh Chi 84 bình luận: “Theo tôi, chính quyền địa phương mà có tuyến đường cao tốc đi ngang qua, trước mắt tuyên truyền giáo dục, kế tiếp nếu vi phạm là bắt và phạt hành chính. Đồng thời, cho họ đi lao động công ích như vệ sinh, quét dọn những trang thiết bị phục vụ vận hành tuyến đường trong 1 tháng”.
Trao đổi với PV, Luật sư Huỳnh Chí Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết căn cứ điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì người có hành vi ném đá vào ô tô đang lưu thông trên cao tốc có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Ngoài ra, trường hợp trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 178 BLHS 2015, khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
Cũng theo luật sư Công, việc một số người dân còn tự ý cắt, tháo hàng rào hai bên cao tốc để gia súc đi qua, chăn thả gia súc trên cao tốc là vi phạm quy định pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 100/2019. Cụ thể: “Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo đi vào đường cao tốc trái quy định”.
Những huống nêu trên cho thấy việc chăn dắt gia súc, ném đá, cát vào ô tô đang lưu thông trên cao tốc rất nguy hiểm cho cả tài sản và tính mạng con người. Do đó, tùy vào mức độ vi phạm mà người thực hiện sẽ bị các chế tài hành chính, hình sự tương ứng.