Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, mới đây TAND tỉnh An Giang mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Văn Qui (SN 1978, ngụ huyện An Phú) về tội giết người. Đáng chú ý, tại phiên tòa, hai thẩm phán trong HĐXX đã mặc trang phục xét xử thí điểm là áo choàng dài tay (bên trong là sơmi trắng, thắt cà vạt), còn ba hội thẩm nhân dân mặc sơmi trắng, thắt cà vạt.
Đẹp nhưng chưa hòa hợp
Nhìn tấm ảnh chụp HĐXX trong phiên tòa trên, TS luật Nguyễn Duy Hưng nhận xét: Việc thẩm phán sử dụng trang phục xét xử là áo choàng dài tay đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cải cách về hình thức phiên tòa. Hai thẩm phán mặc áo choàng vừa đẹp vừa tạo cảm giác rất trang nghiêm và uy nghi, khác hẳn với các phiên tòa trước đây.
Tuy nhiên, TS Hưng góp ý: Trong khi hai thẩm phán mặc áo thụng đen thì ba hội thẩm ngồi cùng một bàn xét xử lại mặc sơmi trắng, không hòa hợp về hình thức tổng thể của cả HĐXX. Chưa kể người dự khán phiên tòa nhìn lên sẽ thấy dường như đang có sự phân biệt giữa thẩm phán và hội thẩm dù họ đều là thành viên HĐXX, nói nôm na đều là những quan tòa.
Đồng tình, LS Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cũng nói: “Đúng là nhìn hình ảnh HĐXX sơ thẩm với năm thành viên mà có hai kiểu áo, hai màu áo khác nhau thấy rất khập khiễng. Cá nhân hai thẩm phán mặc áo thụng đen thì nổi bật nhưng đặt bên cạnh ba hội thẩm mặc sơmi trắng lại trở thành đơn điệu”.
HĐXX trong phiên xử bị cáo Trần Văn Qui ở An Giang. Ảnh: CTV
Trang phục thống nhất cho cả HĐXX
Theo TS Nguyễn Duy Hưng, HĐXX thực hiện chức năng xét xử, là hình ảnh đại diện cho Nhà nước nên cần chuẩn mực về tác phong, thống nhất về hình thức nhằm tăng tính uy nghiêm, trang trọng của phiên tòa. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng thì các thành viên trong HĐXX phải được trang phục giống nhau từ hình thức đến việc tuân theo pháp luật trong xét xử. Nếu đã trang bị áo thụng cho thẩm phán thì cũng cần trang bị cho cả hội thẩm khi xét xử để tạo sự thống nhất và bình đẳng.
“Không nên phân biệt giữa thẩm phán và hội thẩm bằng trang phục hội thẩm là những người đại diện cho nhân dân nhưng khi họ được chọn ngồi vào ghế HĐXX thì về mặt pháp lý, họ đang nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng xét xử và phán quyết. Trong mô hình tố tụng nước ta, ở phiên tòa sơ thẩm, hội thẩm còn chiếm số lượng đông hơn thẩm phán và có quyền ngang thẩm phán” - luật sư Nguyễn Toàn Thiện góp ý.
Luật sư Lưu Văn Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng HĐXX gồm thẩm phán và hội thẩm ngồi ngang hàng và ngang quyền nên phải thống nhất về cách ăn mặc khi xét xử. Nếu chỉ trang bị áo thụng cho riêng thẩm phán thì hình ảnh ấy mâu thuẫn với chính vị trí và vai trò của các thành viên trong HĐXX. “Nhìn một cách trực quan, nếu HĐXX ăn mặc không đồng nhất thì người dân sẽ có cảm giác là tính bình đẳng và ngang quyền không có. Các vị hội thẩm sẽ bị lép vế về hình ảnh và tính quyền uy trong xét xử của họ bị giảm sút” - luật sư Tám phân tích.
Từ các phân tích trên, các chuyên gia đều cho rằng khi báo cáo kết quả thí điểm trang phục xét xử mới trước ngày 1-7-2017 cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND Tối cao cần đề xuất trang bị cả trang phục này cho hội thẩm, để khi xét xử, các thành viên HĐXX đều mặc áo choàng dài tay đồng bộ, thống nhất.
Mặc áo thụng đồng loạt nhìn rất hài hòa Sáng 7-11, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã lần đầu tiên mở phiên họp giám đốc thẩm với trang phục thí điểm là áo choàng dài tay (ảnh). Thực tế cho thấy khi tất cả thành viên hội đồng đều mặc áo choàng thì nhìn tổng thể rất hài hòa, đẹp mắt và uy nghiêm. “Thay đổi trang phục xét xử là cần thiết để nâng cao hình ảnh cao đẹp của người đại diện công lý khi xét xử nhưng trang bị đồng bộ cho cả HĐXX của tòa án hai cấp thì tốt hơn nhiều” - ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao) nhận xét. “Hội thẩm sẽ tủi thân” Ăn mặc phân biệt như thế thì các hội thẩm sẽ tủi thân. Theo tôi, có hai cơ sở để trang bị đồng bộ áo choàng dài tay cho cả HĐXX: Thứ nhất, mô hình tố tụng nước ta không giống các nước có bồi thẩm đoàn khi xét xử nên không cần phân biệt. Ở mô hình này, thẩm phán ngồi vị trí cao nhất mặc áo thụng, bồi thẩm đoàn ngồi phía dưới và quyền cũng khác nhau nên mới cần phân cấp về hình thức. Thứ hai, về cơ sở pháp lý, từ Hiến pháp đến các bộ luật, luật tố tụng đều khẳng định HĐXX gồm thẩm phán và hội thẩm có quyền ngang nhau trong xét xử. Ông ĐINH VĂN QUẾ, |