Thẩm phán sẽ mặc áo thụng đen khi xét xử

Hiện nay, hình ảnh thường thấy của các thẩm phán, hội thẩm, thư ký phiên tòa khi xét xử là mặc veston tối màu, bên trong là áo sơ mi trắng dài tay, thắt cà vạt. Ở một số nơi, do thời tiết nóng nực, có khi hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa không mặc veston mà chỉ mặc áo sơmi trắng dài tay, quần âu tối màu, thắt cà vạt.

Mặc áo thụng đen dài tay bên ngoài

Sắp tới, trang phục của thẩm phán khi xét xử sẽ có sự thay đổi lớn theo đề án đổi mới trang phục thẩm phán và hội thẩm mà TAND Tối cao đang triển khai xây dựng.

Theo đề án này, khi xét xử, các thẩm phán sẽ sử dụng trang phục làm việc thông thường nhưng có thêm áo thụng dài tay màu đen khoác bên ngoài. Riêng đối với thẩm phán Tòa gia đình và người chưa thành niên thì có hai đề xuất: Hoặc là sử dụng trang phục thông thường để thể hiện sự thân thiện hoặc là sử dụng áo thụng dài tay màu cam khoác bên ngoài. Riêng đối với thẩm phán TAND Tối cao thì cần có thiết kế riêng.

Về lễ phục của thẩm phán, theo TAND Tối cao thì nên quy định là áo thụng nhưng có thiết kế khác biệt so với áo thụng xét xử về màu sắc và một số họa tiết khác. Tương tự, lễ phục của thẩm phán TAND Tối cao cũng được thiết kế có sự khác biệt so với mẫu lễ phục chung của thẩm phán bình thường.

Về trang phục làm việc hằng ngày của thẩm phán, đề án của TAND Tối cao đưa ra hai phương án: Thứ nhất, giữ nguyên như hiện nay là thẩm phán mặc quần âu tối màu, áo sơ mi trắng (xuân, hè) và mặc veston (thu, đông). Thứ hai, thẩm phán sẽ mặc quần áo kiểu ký giả ngắn tay có hai túi phía dưới, màu tối (xuân, hè) hoặc quần áo veston, áo sơ mi trắng dài tay bên trong, đeo cà vạt, được trang bị áo khoác chống rét (thu, đông)…

Về trang phục xét xử của hội thẩm, TAND Tối cao cho rằng hội thẩm là người đại diện cho nhân dân tham gia vào việc xét xử của tòa. Do vậy, khi xét xử, trang phục của hội thẩm không cần phải giống với trang phục của thẩm phán. Theo thông lệ các quốc gia trên thế giới thì bồi thẩm đoàn khi tham gia xét xử không mặc trang phục tòa án mà chỉ mặc trang phục bình thường. Vì vậy, TAND Tối cao đề xuất không phân biệt trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân với trang phục làm việc hằng ngày: Quần âu tối màu, áo sơ mi trắng (xuân, hè) và veston (thu, đông).

 
Sắp tới, thay vì mặc veston như hiện nay (ảnh trái), thẩm phán nước ta sẽ mặc áo thụng đen như quan tòa nước ngoài (ảnh phải). Ảnh: Minh Họa

Tạo vị thế nổi bật của người cầm cân nảy mực

Theo TAND Tối cao, việc cần có trang phục xét xử riêng cho thẩm phán là cần thiết bởi trang phục xét xử hiện nay (veston tối màu hoặc quần âu tối màu, sơ mi trắng, cà vạt) cũng là màu sắc thông dụng của trang phục công sở, trường học… Bộ trang phục này chưa giúp phân biệt được thẩm phán với số đông những người khác, thậm chí so với chính bị cáo hay đương sự, người tham gia, theo dõi phiên tòa nên chưa thể hiện được tính trang nghiêm, đặc thù trong công tác xét xử.

Trong khi đó, hình ảnh của các thẩm phán trên công đường thể hiện toàn diện, sâu sắc hình ảnh của tòa án và hình ảnh của người bảo vệ công lý nên cần được xây dựng một cách gần gũi, thân thiện nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm, chuyên nghiệp khi nhân danh Nhà nước tuyên các bản án, quyết định.

Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng cho rằng việc đổi mới trang phục của thẩm phán đảm bảo sự hội nhập quốc tế. Bởi lẽ hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có trang phục riêng đặc thù cho đội ngũ thẩm phán khi xét xử.

Có thể nói, nếu đề án của TAND Tối cao đi vào cuộc sống thì hình ảnh của thẩm phán với áo thụng đen tại phòng xử sẽ trở nên nổi bật và tạo ấn tượng mạnh về sự uy nghiêm, trang trọng.

Được biết hôm nay (26-10), TAND Tối cao sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề này (và cả mô hình phòng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp). Chúng tôi sẽ theo dõi để thông tin tới bạn đọc.

Lịch sử trang phục thẩm phán Việt Nam

Tháng 1-1946, Sắc lệnh số 13 của Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quy định: “Y phục các thẩm phán Tòa Thượng thẩm và Tòa Đệ nhị cấp sẽ theo quốc tế, là áo dài đen tay rộng, dải trắng có nếp ở trước ngực, dải đen có lông trắng quàng trên vai bên trái. Các thẩm phán sơ cấp không có y phục riêng nhưng sẽ đeo một dấu hiệu, do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp ấn định”.

Tháng 5-1950, Sắc lệnh số 85 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có quy định thay đổi trang phục xét xử của thẩm phán: “Khi xét xử hoặc bào chữa, thẩm phán và luật sư không mặc áo chùng đen”.

Tháng 7-1983, Công văn số 2807-V8 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (được quy định chi tiết tại Thông tư số 56 ngày 28-1-1984) đã quy định: Mỗi thẩm phán được cấp âu phục đông xuân, âu phục hè thu, áo sơ mi dài tay, cravat, giày da. Đối với thẩm phán nữ được thay quần âu bằng quần sa tanh đen, giày da bằng dép da.

Năm 1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra nghị quyết quy định cụ thể về trang phục đối với thẩm phán, hội thẩm, cán bộ và nhân viên tòa án. Theo đó, thẩm phán được cấp trang phục quần áo thu đông, quần áo xuân hè, áo sơ mi dài tay, cravat, áo đi mưa, giày da, bít tất, dép có quai hậu, cặp đựng tài liệu. Hội thẩm được cấp trang phục quần áo thu đông, quần áo xuân hè, áo sơ mi dài tay, cà vạt, giày da, bít tất. Màu sắc của trang phục do bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định sau khi có ý kiến thống nhất với chánh án TAND Tối cao. Riêng trang phục đối với thẩm phán và hội thẩm Tòa án Quân sự được thực hiện theo quy định đối với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Như vậy, đã từng có giai đoạn (1946-1950), thẩm phán ba Tòa Thượng thẩm (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và các Tòa Đệ nhị cấp (tòa cấp tỉnh) ở nước ta mặc áo thụng đen khi xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm