Tòa tuyên phạt Lực bảy tháng 26 ngày tù, trả tự do cho bị cáo ngay tại tòa; phạt Thiết bốn tháng tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, ngày 2-2, Phạm Thị Kim Thẩm cùng ba người khác là bị can trong vụ án đánh bạc đến TAND quận Thốt Nốt để gặp Thẩm phán PVC nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử và giấy triệu tập bị cáo tại ngoại.
Khi đến tòa, Thẩm gặp thẩm phán Nguyễn Văn Thiết ngồi cùng phòng làm việc với Thẩm phán C. Thiết chủ động hỏi thăm và xin số điện thoại.
Sau đó Thiết nhận được điện thoại của Lực gọi đến hỏi hỏi thăm vụ án tranh chấp dân sự mà Lực là người đại diện theo ủy quyền. Trong lúc trao đổi, Thiết nói vụ việc của Thẩm cho Lực nghe, đưa số điện thoại vừa xin cho Lực để dàn xếp.
Sáng 3-2, Lực gặp Thẩm tại một quán cà phê. Tại đây, Lực gợi ý sẽ lo cho bốn bị cáo được án treo với giá 15 triệu đồng/người, đưa tiền trước ngày xét xử.
Sáng 5-2, sau khi nhận 15 triệu đồng, Lực bị công an bắt quả tang.
Phủ nhận việc liên quan trong vụ án, Thiết cho rằng mình hỏi thăm chị Thẩm và chị này tự đưa số điện thoại, nhờ tìm luật sư. Tuy nhiên, khi tòa công bố lời khai của Thiết tại công an “cứ việc lấy tiền đi, lo không được thì tôi tính tiếp” thì bị cáo nguyên là thẩm phán này cho là mệt mỏi, bị giam chung với can phạm giết người nên khai lúc này lúc khác....
Sau cùng, đại diện VKSND đề nghị phạt bị cáo Thiết từ bốn đến năm tháng tù, Lực từ tám đến chín tháng tù.
HĐXX cho rằng bị cáo Thiết đáng lẽ phải hành xử gương mẫu nhưng vì hám lợi đã làm trái đạo đức ngành, làm ảnh hưởng cán bộ ngành tòa án nói chung nên cần xử nghiêm. Theo tòa, các bị cáo có cùng ý chí phạm tội nhưng vai trò khác nhau. Lực trực tiếp liên hệ, thỏa thuận, nhận tiền của người bị hại nên có vai trò quyết định. Thiết không trực tiếp phạm tội nhưng sự đồng ý của bị cáo tạo lòng tin cho Thẩm nên bị cáo có vai trò giúp sức. Tuy nhiên, các bị cáo phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, Thiết có thành tích xuất sắc trong công tác, mẹ Lực là người có công cách mạng nên tuyên phạt như trên.
NHẪN NAM