Theo ĐB Thủy, dự thảo luật đã tăng thẩm quyền cho TAND đặc khu trong việc xử án dân sự, hình sự nhưng đối với án hành chính thì tòa đặc khu chưa được tăng thẩm quyền.
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn)
“Đối với vụ án hành chính, nói nôm na là vụ án dân kiện chính quyền thì tòa đặc khu không tăng thẩm quyền, mà giữ như tòa án cấp huyện hiện nay. Theo đó, mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND và chủ tịch UBND đặc khu sẽ giao cho tòa cấp tỉnh giải quyết” - ĐB Thủy nói và cho rằng cần xem xét lại quy định này.
Cụ thể, theo ĐB Thủy, cùng với sự phát triển năng động của đặc khu thì sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các vụ án dân sự, hành chính nhất là các vụ án liên quan đến đất đai... Theo thống kê ba năm gần đây số lượng các quyết định hành chính của cấp huyện bị khiếu kiện đến tòa tăng mạnh, như Phú Quốc tăng gần gấp hai lần. Trong khi đó dự thảo luận chỉ tăng thẩm quyền cho đặc khu án dân sự, mà không tăng thẩm quyền đối với án hành chính.
Cũng theo ĐB Thủy, nếu lấy lý do giao cho tòa đặc khu giải quyết khiếu kiến đối với chính quyền cùng cấp có thể ảnh hưởng đến tính vô tư khách quan; pháp luật hiện hành đang giao cho tòa cấp tỉnh xử các khiếu kiện quyết định hành chính của cấp tỉnh thì lập luận này cũng không phù hợp với chủ trương của Đảng về việc cho phép thể chế, tổ chức bộ máy vượt trội tại đặc khu, trong đó có bộ máy của cơ quan tư pháp.
Mặt khác, quy định này cũng không đáp ứng yêu cầu tiết kiệm chi phí đi lại của người dân và nhà đầu tư. Ba đặc khu này đều cách xa trung tâm tỉnh, xa nhất Phú Quốc, tòa án tỉnh Kiên Giang cách Phú Quốc khoảng 120 km đường biển. Và nếu bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phải đến tòa án cấp cao giải quyết, khi đó sẽ càng vất vả cho người dân, nhà đầu tư theo đuổi vụ án.
ĐB Thủy cũng lập luận: Khác với án dân sự có thể ủy quyền cho luật sư tham gia, án hành chính thì chủ tịch UBND phải trực tiếp tham gia vụ án, hoặc ủy quyền cho phó chủ tịch UBND. Vừa qua, nhiều địa phương đã đề nghị sửa vấn đề này vì nhiều lãnh đạo phải đi tòa không có thời gian điều hành công việc.
“Trong khi đó các đặc khu đều được dự báo phát triển nóng, điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải điều hành nhanh nhạy nhưng nếu có án hành chính phải dự các phiên tòa đầy đủ. Nếu dự thì không có thời gian điều hành, mà không tham gia tòa đối chất sẽ làm tăng bức xúc của dân” - ĐB Thủy nhấn mạnh.
ĐB Thủy cũng cho hay trong khi chủ tịch UBND đặc khu và địa phương được giao quyền rất lớn (với 44 thẩm quyền tỉnh, 21 thẩm quyền của bộ, tám thẩm quyền của Thủ tướng) thì các cơ quan tư pháp của đặc khu không có thẩm quyền giải quyết các vụ án khiếu kiện hành chính đối với chính quyền cùng cấp. Quy định như vậy sẽ khiến án hành chính sẽ bị dồn lên tòa cấp trên.
“Kinh nghiệm một số nước như Ả Rập cho thấy đặc khu của họ hấp dẫn là do những ưu đãi về kinh tế nhưng về lâu dài đó phải là sự ổn định về chính sách, hệ thống cơ quan tư pháp mạnh, có đủ thầm quyền để giải quyết những vấn đề phát sinh trên địa bàn. Các nhà đầu tư quốc tế, cũng cho thấy đây là một trong những yếu tố quan trọng để giữ chân nhà đầu tư” - ĐB Thủy nói và đề nghị nên giao cho tòa đặc khu xử án hành chính đối với UBND, chủ tịch UBND cùng cấp.