Tại hội thảo có nhiều ý kiến tranh luận về việc nên bỏ hay tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện nay.
TS Phạm Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá giáo dục đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng giáo dục là cả một quá trình, gồm nhiều yếu tố đánh giá. Nếu lấy kết quả thi chỉ vài môn học để đánh giá năng lực học sinh (HS) của cả 12 năm thì đã vô tình đánh giá thấp những yếu tố khác của giáo dục, tạo cơ hội cho tâm lý học chỉ để thi trong HS.
TS Nguyễn Kim Dung phát biểu tại buổi hội thảo.
"Chúng ta có nhất thiết phải tổ chức thi tốt nghiệp THPT, trong khi hiện nay nhiều nước không thi tốt nghiệp mà giao cho các trường đánh giá và công nhận. Thêm nữa, kỳ thi nên được tổ chức nhiều lần trong năm để đánh giá quá trình học của HS ở từng cấp học đó” - bà Ly đề xuất.
Ông Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM), thì lại cho rằng nên duy trì kỳ thi THPT quốc gia, tuy nhiên cần điều chỉnh lại theo hướng nhẹ nhàng, không gây áp lực cho HS, trong đó quan trọng nhất là thay đổi quy mô và cách thức tổ chức.
“Một phương án sửa đổi của luật này là trường THPT cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình cho những em thi rớt tốt nghiệp hoặc không muốn thi thì chẳng khác nào công khai xác nhận việc thi rớt cho các em. Nên chăng vẫn giữ kỳ thi nhưng Bộ GD&ĐT nên có những rà soát, đánh giá lại tỉ lệ HS học hết lớp 12 mà không có nhu cầu học tiếp lên CĐ-ĐH để có chính sách tổ chức phù hợp” - ông Trọng góp ý.
Ủng hộ việc giữ nguyên kỳ thi THPT quốc gia nhưng luật gia Dương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng nên chú ý nhiều đến những người tự học, cần phải giải quyết nhu cầu của người tự học ở nhà, vì có những người tự học rất nghiêm túc thì kết quả của họ cũng nên có cách để công nhận.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Kim Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng phong trào tự học (homeschooling) hiện nay đang rất phổ biến ở Việt Nam. Việc đánh giá HS tiểu học cũng đã thay đổi, các em không có bằng tốt nghiệp tiểu học nữa mà chỉ có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
"Nếu HS có khả năng tự học ở nhà một cách đàng hoàng và có hướng dẫn cần được xem xét công nhận và được vào học chương trình THCS. Nếu không, việc này sẽ ngược với quy định HS có quyền tự học nêu trong dự thảo luật, chưa thực sự khuyến khích việc tự học" - bà Dung nói.