Vấn đề nổi cộm là có nên tiếp tục trao quyền tổ chức cưỡng chế thi hành án (THA) cho TPL. Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định) Đỗ Hoàng Yến cho biết đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau. Trong khi thời gian qua, TPL mới chỉ tổ chức cưỡng chế THA được duy nhất một vụ ở Quảng Ninh.
Hiện nay nếu cưỡng chế THA cần huy động lực lượng thì văn phòng TPL phải báo cáo, xin ý kiến của trưởng Ban Chỉ đạo THA cấp huyện nơi đặt văn phòng. Từ đó TPL lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo cục trưởng Cục THA kèm theo hồ sơ THA để được phê duyệt kế hoạch và ra quyết định cưỡng chế.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THA Nguyễn Văn Sơn, quan điểm của Tổng cục là giữ nguyên thẩm quyền này và các quy định hiện có. Bởi nếu loại bỏ thì biện pháp mạnh mẽ nhất trong tổ chức THA không còn, người dân yêu cầu THA thì TPL bó tay. Quy định cục trưởng Cục THA ra quyết định cưỡng chế THA vừa không thả nổi cho TPL, vừa tránh quan điểm cho rằng lực lượng vũ trang đi phục vụ cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng băn khoăn thực tế việc cưỡng chế THA có huy động lực lượng của TPL rất khó, gần như không thực hiện được. Có nhiều vụ kế hoạch cưỡng chế được phê duyệt nhưng nhiều lần công an không phối hợp khiến vụ việc THA kéo dài. Đó là chưa kể TPL làm mọi khâu, lãnh đạo Cục THA lại là người ra quyết định cưỡng chế, nếu không may phải bồi thường thì THA phải chịu. Từ đó ông Dũng đề nghị nêu cả hai phương án trình xin ý kiến Chính phủ…
Bà Yến cho biết quá trình soạn thảo nghị định, Bộ đã gửi công văn xin ý kiến Bộ Công an, TAND Tối cao và VKSND Tối cao nhưng đến nay vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ ba cơ quan này.