Nên thu phí vào trung tâm TP.HCM khi nào?

PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết thu phí xe cá nhân vào trung tâm TP là một trong số các giải pháp của Đề án kiểm soát xe cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng.
TS Mai lý cũng cho rằng phương án này đưa ra đã hơn 10 năm nay mà đến nay vẫn chưa thể triển khai. Theo kinh nghiệm ở Singapore, Anh và một số nước khác đều đã áp dụng giải pháp thu phí xe cá nhân vào trung tâm TP và tỏ ra có hiệu quả.
thu-phi

Sơ đồ dự kiến các khu vực  thu phí tạo thành vành đai khép kín trung tâm TP.HCM. Đồ họa: HỒ TRANG.

TS Mai lý giải hệ thống giao thông công cộng ở các nước này rất tốt, chiếm thị phần trên 40% nhu cầu đi lại. Trong đó có tàu điện, metro, xe buýt... Do vậy người dân có thể lựa chọn phương thức đi lại bằng xe công cộng thay vì xe cá nhân ở giờ cao điểm. Từ đó giúp giảm kẹt xe và ô nhiễm môi trường ở trung tâm TP.

Bên cạnh đó, mức phí thu tương đối phù hợp với thu nhập của người dân. Các nước này đều không có xe gắn máy và đa số sử dụng ô tô, xe công cộng nên dễ dàng chuyển đổi phương thức đi lại. Các trạm thu phí là tự động hoàn toàn nên không bị ùn tắc cục bộ tại các trạm thu phí.
Không chỉ vậy, các nước trên có mật độ dân số của các TP này cũng không cao lắm so với TP.HCM hay Hà Nội.
Ở Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM có mật độ dân số cao, đa số sử dụng xe gắn máy và thị phần xe công cộng (xe buýt) chỉ chiếm dưới 10%. Bên cạnh đó, TP.HCM và Hà Nội cũng không có tàu điện, metro là những phương tiện vận chuyển nhanh và khối lượng lớn nên người dân không có phương thức chọn lựa nào khác ngoài đi xe cá nhân. Nếu chúng ta làm thu phí mà giao thông công cộng quá kém (dưới 30%) thì hiệu quả giảm ùn tắc giao thông sẽ không cao.
Do vậy, điều kiện tiên quyết là phải phát triển nhanh và mạnh giao thông công cộng đạt được thị phần trên 30% thì các giải pháp giảm ùn tắc giao thông như thu phí xe cá nhân mới hiệu quả.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có văn bản trình UBND TP.HCM về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm TP.

Vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP gồm quận 1, quận 3 theo công nghệ thu phí đa làn không dừng.
Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường ở phía bắc là đường Hoàng Sa men theo bờ kênh Thị Nghè, Nhiêu Lộc đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng 8; đường 3-2, đường Lê Hồng Phong, đường Lý Thái Tổ; đường Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, đường Tôn Đức Thắng. 
Bên cạnh đó là các cổng thu phí trên các tuyến đường hiện có tình trạng ùn tắc nghiêm trọng như khu vực đường Trường Sơn, Cộng Hòa và một trung tâm quản lý điều hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm