Ngày 13-11, Nepal cho biết sẽ cấm nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội TikTok (thuộc công ty ByteDance, Trung Quốc). Lý do Nepal đưa ra là sự “lạm dụng” TikTok đang làm xáo trộn “sự hài hòa xã hội và lòng tốt” ở nước này, theo hãng tin Reuters.
Theo truyền thông địa phương, Nepal ghi nhận hơn 1.600 vụ tội phạm mạng liên quan TikTok trong 4 năm qua.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nepal - bà Rekha Sharma cho biết quyết định cấm TikTok đã được đưa ra tại cuộc họp nội các ngày 13-11.
Bà Sharma nói với Reuters: “Các đồng nghiệp của chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện lệnh cấm”.
Chủ tịch Cơ quan Viễn thông Nepal - ông Purushottam Khanal cho biết các nhà cung cấp dịch vụ internet ở nước này đã được yêu cầu đóng ứng dụng TikTok.
Các lãnh đạo phe đối lập ở Nepal chỉ trích động thái trên, cho rằng nó “thiếu hiệu quả, thiếu sự chín chắn và trách nhiệm”.
“Có rất nhiều tài liệu không mong muốn trên các phương tiện truyền thông xã hội khác. Điều phải làm là quản lý chứ không hạn chế” - theo ông Pradeep Gyawali, cựu Ngoại trưởng Nepal và lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Nepal.
Không chỉ riêng Nepal, nhiều quốc gia đã đưa ra lệnh cấm một phần hoặc hoàn toàn với TikTok.
Nước láng giềng của Nepal là Ấn Độ đã cấm TikTok cùng với hàng chục ứng dụng khác của các nhà phát triển Trung Quốc vào tháng 6-2020, vì cho rằng các ứng dụng này có thể gây tổn hại đến an ninh và tính toàn vẹn của quốc gia.
Một quốc gia Nam Á khác là Pakistan đã cấm TikTok ít nhất bốn lần vì cho rằng ứng dụng này có chứa các nội dung “vô đạo đức và không đứng đắn”.
TikTok chưa bình luận động thái của Nepal nhưng trước đây công ty nhiều lần cho biết những lệnh cấm như vậy là “không phù hợp” và dựa trên “những quan niệm sai lầm”.