Đáng chú ý, khoản 3 Điều 4 dự thảo này quy định: Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng.
Khoản 6 Điều 5 của dự thảo cũng nghiêm cấm việc sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị gây phương hại an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.
Bày tỏ quan điểm cá nhân về nội dung này, ông Trần Bá Dung (Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam) cho rằng những quy định này có thể làm hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí trong việc thu thập thông tin đã được quy định trong nhiều điều luật.
Theo ông Dung, quy định trên của dự thảo nghị định đi ngược lại với quy định về quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo, chồng chéo, thậm chí không phù hợp với các quy định luật pháp khác có liên quan đến việc hành nghề của nhà báo. “Nhà báo được quyền khai thác thông tin, tiếp cận nguồn tin, còn việc nhà báo khai thác như thế nào mà vi phạm bí mật quốc gia, bí mật đời tư cá nhân đã bị điều chỉnh bằng luật khác rồi” - ông Dung nói.
Cũng theo ông Dung, Điều 9 Luật Báo chí 2016 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có 13 khoản nói rất rõ nhà báo không được đưa tin những gì như mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân và các bí mật khác theo quy định của pháp luật. Như vậy theo ông Dung, quy định tại Luật Báo chí đã chế tài cụ thể việc xâm phạm các phạm vi bí mật an ninh quốc gia.
“Hơn nữa, Điều 13 của Luật Báo chí cũng nói rất rõ về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân trên báo chí, đồng thời cũng nói rõ Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để cho công dân thực hiện quyền đó và tạo điều kiện để báo chí phát huy vai trò của mình. Vai trò của báo chí đã được quy định rất rõ trong Luật Báo chí, giám sát phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ thuần phong mỹ tục… Để báo chí làm được điều đó thì cần phải có phương pháp nghiệp vụ để khai thác thông tin. Ví dụ như đấu tranh chống tham nhũng không thể đi lấy tài liệu một cách công khai, bình thường mà phải dùng các biện pháp nghiệp vụ. Điều này đã được quy định trong Luật Báo chí, nếu như áp dụng quy định trên thì làm sao báo chí thực hiện được vai trò của mình trong đấu tranh chống tham nhũng nữa” - ông Dung nêu vấn đề.
Cũng theo ông Dung, báo chí được phép hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. “Nhà báo có nhiều biện pháp để hoạt động nghiệp vụ, trong đó có việc bí mật tiếp cận nguồn tin để thu thập thông tin, theo cách như dự thảo quy định thì cấm hết nhà báo thực hiện nghiệp vụ này, vậy sao nhà báo thu thập được thông tin?” - ông Dung nói.