Ngày 25-4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng Moscow sẽ coi vũ khí hạt nhân mà nước ngoài triển khai ở Ba Lan là mục tiêu quân sự chính, theo hãng thông tấn TASS.
Theo ông Ryabkov, Moscow coi bất kỳ sự mở rộng nào trong thỏa thuận chia sẻ hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “gây bất ổn sâu sắc” về bản chất và "trên thực tế là đe dọa” Nga.
Nhà ngoại giao Nga nói rằng các chính trị gia Ba Lan "đang muốn chào đón vũ khí hạt nhân của Mỹ trên đất của họ phải hiểu rằng bất kỳ sự thay đổi nào theo hướng đó sẽ không mang lại thêm an ninh cho Ba Lan, vì các địa điểm liên quan chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu quân sự".
"Các nhà hoạch định quân sự của chúng tôi sẽ coi chúng là ưu tiên hàng đầu” - ông Ryabkov nói thêm.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết bất kỳ tên lửa hạt nhân nào của Mỹ ở Ba Lan đều có thể trở thành mục tiêu trong trường hợp xảy ra chiến tranh Nga-NATO.
"Không khó để cho rằng nếu vũ khí hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan thì các địa điểm liên quan sẽ ngay lập tức nằm trong danh sách các mục tiêu hợp pháp mà Nga cần tiêu diệt trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với NATO” - bà Zakharova nhấn mạnh.
Hiện Mỹ và Ba Lan chưa bình luận về các phát ngôn trên của Nga.
Trước đó, trả lời phỏng vấn nhật báo Fakt ngày 22-4, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga liên quan Ukraine.
Ông Duda cho biết rằng vấn đề đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ đến Ba Lan “đã là chủ đề của các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Ba Lan trong một thời gian”.
Tổng thống Ba Lan cho rằng sở dĩ Warsaw có lập trường như vậy là do “Nga đang ngày càng quân sự hóa” vùng Kaliningrad (lãnh thổ hải ngoại của Nga) giáp Ba Lan và Lithuania. Ông Duda lưu ý việc Moscow cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Liên quan vấn đề này, ngày 25-4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cũng cảnh báo rằng việc Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan sẽ vi phạm các hiệp định kiểm soát vũ khí quan trọng giữa NATO và Nga.
Theo ông Lecornu, ý tưởng triển khai vũ khí hạt nhân của Washington tới Warsaw trước tiên sẽ đòi hỏi các cuộc thảo luận kỹ lưỡng giữa các quốc gia thành viên NATO, vì nó “sẽ làm suy yếu đạo luật thành lập NATO-Nga”.
Bộ trưởng Lecornu cũng lưu ý rằng Pháp không tham gia hoạt động lập kế hoạch hạt nhân của NATO. Theo ông Lecornu, Paris “hoàn toàn tự chủ trong kế hoạch và hệ thống răn đe của chúng tôi”.