Nga chặn nghị quyết Syria của LHQ

Đợt không kích của quân chính phủ Syria vào Đông Ghouta tính tới hôm nay 23-2 đã bước sang ngày thứ sáu. Đã có ít nhất 416 người chết, hơn 2.100 người bị thương kể từ khi không kích bắt đầu tối 18-2, theo thống kê của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria.

Người dân bị thương ở thị trấn Douma thuộc Đông Ghouta (Syria) ngày 22-2. Ảnh: REUTERS

400.000 người dân Đông Ghouta đang phải chịu đựng nguy hiểm trong tình trạng thiếu nước, thực phẩm và cả điện dù thời tiết lạnh cóng. Tại thị trấn Harasta, 80% dân phải sống trong hầm trú ẩn dưới mặt đất. Hơn chục bệnh viện trúng không kích, không thể hoạt động.

Người dân Syria sống ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tập trung trước lãnh sự quán Nga ngày 22-2, biểu tình phản đối đợt tấn công của quân chính phủ Syria vào Đông Ghouta. Ảnh: REUTERS

Ngày 22-2 tại Mỹ diễn ra cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) cân nhắc ra nghị quyết do Kuwait và Thụy Điển soạn thảo, đề nghị một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày khắp đất nước Syria, tạo điều kiện cho cứu trợ khẩn cấp và sơ tán, cứu chữa người bị thương.

Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura khẩn thiết kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức để dừng đợt không kích được xem là lớn nhất trong 7 năm nội chiến Syria mà quân chính phủ Syria đang thực hiện ở Đông Ghouta.

Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân quyền Mark Lowcock nói tại cuộc họp: “Điều chúng ta cần là một lệnh ngừng các hành vi thù địch và chúng ta đang khẩn thiết cần nó. Hàng triệu con người khốn khổ đang chờ đợi hành động của HĐBA”.

Phó đại sứ Mỹ tại LHQ, phụ trách Hội đồng Kinh tế và Xã hội Kelley Currie trong phiên họp của HĐBA LHQ về Syria ngày 22-2. Ảnh: REUTERS

Đại sứ Anh tại LHQ Stephen Hickey mô tả tình hình Đông Ghouta là “đia ngục trần gian”, nói sự khốn khổ người dân Syria đang phải chịu đựng là lỗi của cả cộng đồng thế giới. Đại sứ Pháp tại LHQ François Delattre cảnh báo việc để yên không can thiệp sẽ là mồ chôn của LHQ.

Theo dự thảo nghị quyết Reuters thu thập được, HĐBA yêu cầu “một lệnh ngừng các hành vi thù địch khắp Syria đối với tất cả chiến dịch quân sự, ngoại trừ các chiến dịch nhắm trực tiếp vào IS, Al-Qaeda và Mặt trận al Nusra”.

Tuy nhiên ngày 22-2, HĐBA đã không thông qua được nghị quyết vì vướng phản đối của Nga. Đại sứ Nga tại LHQ Cassily Nebenzya nói rõ Nga sẽ không ủng hộ nghị quyết ngừng bắn, dù phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelley Currie cáo buộc Nga cố tình phong tỏa các nỗ lực ngăn chặn đổ máu ở Đông Ghouta.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzya trong phiên họp của HĐBA LHQ về Syria ngày 22-2. Ảnh: REUTERS

Ông Nebenzya bác bỏ rằng các thông tin về Đông Ghouta trên truyền thông phương Tây hiện nay không chính xác, chỉ là tuyên truyền. Theo ông Nebenzya, những ngày qua đã xuất hiện “sự lan truyền có phối hợp và lặp đi lặp lại những đồn thổi giống nhau” và các đại sứ các nước và các quan chức LHQ đã bị truyền thông lèo lái. Hình ảnh các thi thể, nạn nhân, trẻ em bị thương, các bệnh viện bị trúng bom, các gia đình phải ẩn nấp trong hầm chỉ là sự tuyên truyền để làm đậm độ thảm khốc.

“Các bạn sẽ có ấn tượng rằng toàn bộ Đông Ghouta chỉ có các bệnh viện và đây là mục tiêu của quân đội Syria. Đây là một thủ thuật lợi hại của chiến tranh truyền thông” – theo ông Nebenzya. Sau phiên họp, đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari nói các cáo buộc của “3 chàng lính ngự lâm” Mỹ, Anh, Pháp rằng chính phủ Syria thả bom bừa bãi lên dân thường là hoàn toàn sai. Ông al-Jaafari cáo buộc 3 nước này đã bỏ qua chi tiết phe nổi dậy nã pháo vào Damacus làm hàng chục người chết.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzya (đứng quay lưng) bắt tay với đại sứ Syria tại LHQ Bashar al-Jaafari sau cuộc họp HĐBA LHQ về Syria ngày 22-2. Ảnh: AP

Nga và Syria đều nói tấn công Đông Ghouta là cần thiết để tiêu diệt phe nổi dậy đã nã pháo vào thủ đô Damacus. Nhiều người dân và cả một số tay súng nổi dậy ở Đông Ghouta cho biết có cả máy bay Nga tham gia không kích. Họ cho biết có thể nhận diện máy bay Nga vì các máy bay này bay ở tầm cao hơn máy bay Syria.

Reuters dẫn lời nhân viên cứu hộ và người dân Đông Ghouta nói trực thăng quân đội Syria thả bom chùm có thêm mảnh kim loại xuống các địa điểm đông người như chợ và trung tâm y tế. Tuy nhiên Syria và Nga đều phủ nhận sử dụng bom chùm hay không kích vào dân thường, đồng thời cáo buộc phe nổi dậy dùng dân thường làm lá chắn.

Theo một đơn vị truyền thông do nhóm vũ trang Hezbollah điều hành, trực thăng quân đội Syria còn thả tờ rơi ở Đông Ghouta, kêu gọi người dân về phe chính phủ để bảo toàn mạng sống. Trong tờ rơi có một bản đổ vẽ hành trình an toàn cho người dân ra khỏi Đông Ghouta.

Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Jaafari trong phiên họp của HĐBA LHQ về Syria ngày 22-2. Ảnh: REUTERS

Không ủng hộ dự thảo nghị quyết, nhưng ông Nebenzya nói rằng sẽ đề xuất sửa đổi từ ngữ trong dự thảo theo hướng “thực tế”. Ông Nebenzya cho biết có thể sẽ ủng hộ lệnh ngừng bắn 30 ngày, nhưng lệnh ngừng bắn này không được bao gồm các phần tử phiến quân Hồi giáo đang là mục tiêu của chính phủ Syria ở Đông Ghouta – ý nói phe nổi dậy.

Phiên họp kết thúc, Washington Post dẫn thông tin từ một số nhà ngoại giao tại LHQ rằng Nga đã đề xuất sửa đổi dự thảo nghị quyết rằng tất cả các bên “ngừng càng sớm càng tốt hành động thù địch” và “bắt tay giảm bạo lực ngay lập tức và vô điều kiện” trong vòng ít nhất 30 ngày. Nga cũng đề xuất lên án việc phe nổi dậy “nã pháo không ngừng nghỉ” vào Damacus.

Đề xuất của Nga còn có chi tiết nhắm tới các lực lượng Mỹ bảo trợ trong cuộc chiến đánh IS và Al-Qaeda, khi yêu cầu “các lực lượng quân đội nước ngoài chỉ có thể hoạt động ở Syria với điều kiện phối hợp với chính phủ Syria”.

Các nỗ lực trước đây tại HĐBA để thông qua một lệnh ngừng bắn ở Syria đều không có kết quả. Và theo New York Times, những gì vừa diễn ra ở HĐBA lần nữa nhấn mạnh tính bất lực của LHQ trong khi cuộc nội chiến Syria tăng mức độ bạo lực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới