Số người chết trong ba ngày qua ở Đông Ghouta vì không kích, tên lửa và pháo của quân chính phủ Syria đã lên tới hơn 300 người, CNN dẫn lời nhân viên y tế ở Đông Ghouta cho biết ngày 21-2.
Quân chính phủ Syria bắt đầu đợt tấn công Đông Ghouta, ngoại ô Damacus (Syria) từ tối 18-2, đặc biệt đẩy mạnh trong hai ngày 19 và 20-2, chỉ riêng trong hai ngày này đã có 260 người chết và cả ngàn người bị thương. Ngày 21-2 lại có thêm 45 người chết và hàng trăm người bị thương, theo Hiệp hội Y khoa Mỹ-Syria (SAMS) đảm nhiệm hỗ trợ các bệnh viện ở Đông Ghouta.
Cứu hộ nạn nhân bị kẹt dưới đống đổ nát vì không kích ở Đông Ghouta ngày 21-2. Ảnh: CNN
Trả đũa, phe nổi dậy đã nã 114 quả tên lửa và pháo vào thủ đô Damacus, hãng thông tấn nhà nước Syria SANA cho biết. Tính đến ngày 21-2 đã có 13 người chết và 77 người bị thương.
Theo các nhân viên y tế, tới ngày 21-2, thương vong quá lớn đã buộc các bác sĩ ở Đông Ghouta phải dùng đến cả thuốc hết hạn để cứu chữa các nạn nhân, kể cả thuốc gây mê, vì không còn cách nào khác. Thiết bị trong phòng mổ và phòng cấp cứu cũng đã hết hạn sử dụng. Nước sạch thiếu trầm trọng. Chỉ có 105 bác sĩ nhưng phải chăm sóc cho toàn bộ người bị thương ở Đông Ghouta.
Nhân viên tình nguyện cứu hộ nạn nhân trẻ em tại Đông Ghouta ngày 21-2. Ảnh: CNN
Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), gần 400.000 người đang mắc kẹt ở Đông Ghouta trong điều kiện thiếu thốn và nguy hiểm đủ bề. Đáng nói Đông Ghouta là một trong bốn vùng giảm căng thẳng theo thống nhất giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran năm ngoái. Đông Ghouta cũng là nơi đã xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học năm 2013 làm 1.400 người chết.
Tình hình thảm khốc ở Đông Ghouta dấy lên làn sóng lo ngại và lên án từ quốc tế. Tổng Thư ký LHQ Antonia Guterres mô tả đây là “địa ngục trần gian”. Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đây là “tội ác chiến tranh trắng trợn”. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) phải ra một “tuyên bố trắng” bày tỏ sự đau lòng của mình, rằng không còn lời lẽ nào miêu tả nỗi đớn đau trẻ em phải chịu đựng. Mỹ, Anh, Pháp, Đức đều kêu gọi ngừng bắn.
Trong số nạn nhân ở Đông Ghouta có rất nhiều trẻ em. Ảnh: CNN
Nga ngày 21-2 cũng nhận định tình hình Đông Ghouta đặc biệt nghiêm trọng. Theo Bộ Ngoại giao Nga, các cuộc đàm phán nhằm cố gắng giải quyết tình hình Đông Ghouta một cách hòa bình đã thất bại, phe nổi dậy phớt lờ lời kêu gọi ngừng bắn và hạ vũ khí. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Nga đang vận động trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ về một dự thảo nghị quyết nhằm giải quyết tình hình nhân đạo ở Đông Ghouta. Đại sứ Nga Vasily Nebenzia cho biết HĐBA dự kiến sẽ họp trong ngày 22-2 (giờ Mỹ) về tình hình Syria.
Ngoài Đông Ghouta, 24 giờ qua vẫn xuất hiện vi phạm ngừng bắn ở các tỉnh Latakia, Aleppo, Idlib, Homs. Tuy nhiên theo quân đội Nga, trong ngày 21-2 Nga đã thống nhất thêm ba thỏa thuận ngừng bắn ở ba khu vực thuộc tỉnh Idlib - cứ điểm quan trọng nhất hiện nay của phe nổi dậy, tỉnh duy nhất còn lại ở Syria mà phe nổi dậy kiểm soát phần lớn.