Tại cuộc họp báo cuối năm ngày 19-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin thách thức Mỹ cung cấp Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng Nga có nguồn tin từ bên trong Ukraine để điều tra về công nghệ mật đằng sau hệ thống này, theo đài RT.
THAAD được một số chuyên gia quân sự đánh giá là có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik mới của Nga. Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky được cho là đã nhắc lại lời kêu gọi Mỹ cung cấp THAAD cho Kiev sau khi Nga dùng tên lửa Oreshnik tấn công vào một cơ sở quân sự của Ukraine vào tháng 11.
"Nếu người Mỹ quyết định cung cấp hệ thống THAAD, hãy để họ làm điều đó. Chúng tôi sẽ nhờ những người của chúng tôi ở Ukraine chia sẻ về các giải pháp tiên tiến được áp dụng trong hệ thống này" - ông Putin nói.
Tuy nhiên, ông Putin bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của THAAD trước Oreshnik. Theo ông Putin, THAAD có khả năng tương đương với hệ thống S-400 của Nga nhưng vẫn thua kém ở một số khía cạnh.
"Hãy để họ cung cấp [THAAD] cho Kiev. Chúng tôi sẽ hỏi những người ở Ukraine xem liệu họ có thể tiết lộ cho chúng tôi các yếu tố thiết kế hiện đại của dòng vũ khí này hay không" - ông Putin nói.
"Khi tôi nói 'các chàng trai của chúng ta', tôi không có ý mỉa mai. Chúng tôi thực sự có nguồn tin ở Ukraine để trao đổi thông tin. Rất nhiều người ở đó mong muốn thoát khỏi chế độ hiện tại ở Ukraine” - ông Putin nói thêm.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định niềm tin vào khả năng bất khả xâm phạm của Oreshnik trước các hệ thống đánh chặn và sẵn sàng tham gia một "cuộc đấu công nghệ cao" với phương Tây để chứng minh quan điểm của mình.
“Hãy để họ tập trung toàn bộ hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa ở Kiev, sau đó chúng tôi sẽ tấn công mục tiêu bằng Oreshnik. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra” - ông Putin thách thức.
Ông Putin nhấn mạnh rằng thử nghiệm này sẽ làm sáng tỏ các lý thuyết của một số chuyên gia quân sự phương Tây về hiệu quả của các hệ thống phòng không trước tên lửa Nga.
Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng Moscow từng đề nghị Washington không triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa để tránh kích thích Nga phát triển các biện pháp đối phó, nhưng yêu cầu này đã bị phớt lờ.
"Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển hệ thống tên lửa xuyên giáp. Từ góc độ của người đóng thuế Mỹ, toàn bộ câu chuyện này là một nỗ lực tốn kém mà không mang lại nhiều lợi ích cho an ninh quốc gia của họ" - ông Putin nói.
Mỹ và Ukraine chưa lên tiếng về phát ngôn của ông Putin.