Nga đang chuẩn bị cho tình hình xấu đi ở Syria thời ông Biden

Nga đang chuẩn bị cho tình hình xấu đi ở Syria sau khi ứng viên Dân chủ Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Các quan chức Nga tin rằng ông Biden có kế hoạch thay đổi chính sách của Tổng thống Donald Trump về không can thiệp trong cuộc xung đột Syria, theo trang tin UAWire.

Nga chuẩn bị cho sự leo thang ở Syria sau khi ông Biden nhậm chức

Hôm 11-1, tàu đổ bộ lớn Saratov của Nga đã đi qua eo biển Bosphorus hướng về căn cứ hải quân Tartus của Nga tại Syria.

Theo hãng thông tấn Interfax, tàu Saratov đã đi vào biển Địa Trung Hải, nơi thường trú của hơn 10 tàu chiến và tàu hỗ trợ Nga.

Binh sĩ Nga tại Syria. Ảnh: Omar Sanadiki/REUTERS

Cuối tháng 12-2020, tàu đổ bộ lớn Novocherkassk của Nga cũng đã đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ. Tàu Novocherkassk cùng với các tàu khác của Hạm đội Biển Đen cung cấp vũ khí và vật tư cho quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria.

Mỹ cũng đang tăng cường các nguồn cung vũ khí cho lực lượng đối lập Syria. Theo hãng thông tấn SANA, cuối tuần qua, một đoàn xe lớn của liên quân Mỹ với sự hỗ trợ của lực lượng trên không đã đến tây bắc Syria, mang theo hàng hóa quân sự và hậu cần cho căn cứ ở Deir ez-Zor.

Đoàn xe gồm 30 chiếc, chở theo vũ khí hạng nặng gồm súng, xe tăng và đến Syria thông qua chốt biên giới Al-Hasakah nằm trên biên giới với Iraq, nguồn tin của SANA tiết lộ.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden – người sẽ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20-1 tới - đã chỉ trích chính sách của ông Trump về việc rút binh sĩ khỏi Syria. Ông Biden gọi ông Trump là “tổng tư lệnh liều lĩnh nhất và kém cỏi nhất mà chúng tôi từng có”.

Ông Biden nói rằng việc ông Trump từ chối ủng hộ các lực lượng chống chính phủ Syria đã dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này và trao cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) một thời cơ mới.

Với việc thay đổi của chính quyền Mỹ, một đội quân tương đối nhỏ của Mỹ ở Syria có thể được mở rộng và được trao các nhiệm vụ mới như ngăn chặn Nga và bảo vệ đồng minh người Kurd, ông Alexander Aksenenok – phó Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga lưu ý.

Dù vậy, chính sách của Washington tại Syria phần lớn vẫn phụ thuộc vào sự phát triển mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Israel cũng như liệu Mỹ có trở về bàn đàm phán với Iran hay không. Những bước đi nhằm bình thường hóa quan hệ với Tehran sẽ giúp Mỹ xích lại gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và tạo khoảng cách với Israel và Saudi Arabia và ngược lại, ông Aksenenok nhận định.

Trong trường hợp này, có thể xảy ra leo thang ở phía nam Syria – nơi ảnh hưởng của Israel và Saudi Arabia rất mạnh và ở tây bắc, nơi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện tham vọng, ông Aksenenok kết luận.

Chính sách của ông Trump tại Trung Đông có kết quả rõ ràng, ông Biden không nên thay đổi

Theo nhận định của cựu đặc phái viên Mỹ tại Syria – ông James Jeffrey, chính sách của Tổng thống Trump tại Trung Đông đã đem lại kết quả rõ ràng và ông Biden không nên thay đổi chính sách này.

Bên trong cơ sở biến đổi uranium nằm bên ngoài TP Isfahan, cách thủ đô Tehran của Iran 410 km về phía nam. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong một bài luận đăng trên trang Foreign Affairs hôm 15-1, ông Jeffrey lập luận rằng ông Trump đã chọn từ bỏ “các chiến dịch chuyển đổi” mà chính quyền ông Bush và ông Obama theo đuổi để ủng hộ việc “làm việc chủ yếu thông qua các đối tác trên thực địa” nhằm thúc đẩy lợi ích Mỹ.

Ông Jeffrey là đặc phái viên Mỹ về Syria và liên quân Mỹ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) từ năm 2008. Ông nghỉ hưu vào tháng 11-2020.

Ông Jeffrey chỉ ra hai thành công lớn của chính quyền ông Trump, một là IS bị đánh bại ở Iraq và Syria và hai là Hiệp định Abraham giữa một bên là Israel và bên còn lại là Bahrain, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Mỹ cũng thành công trong việc chống lại sự bành trướng hơn nữa của Nga tại Syria và những nơi khác, đổng thời huy động một liên minh chống lại hành vi xấu xa của Iran.

Ông Jeffrey giải thích những chính sách của ông Trump tất cả đều xoay quanh quan điểm cho rằng Iran đặt ra mối đe dọa toàn diện cho khu vực và Mỹ. Việc ông Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015 dưới thời chính quyền ông Obama và thực hiện các biện pháp trừng phạt “gây sức ép tối đa” đã có tác động thật sự lên nền kinh tế Iran và “chủ nghĩa phiêu lưu trong khu vực” - ông Jeffrey viết.

Trong khi đó, cả Trung Quốc lẫn Nga đều không sẵn sàng cứu trợ Iran, còn người châu Âu thì không thể làm gì để trả đũa bất chấp dự phản đối của họ.

Đội ngũ phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Biden ám chỉ khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump xé bỏ năm 2018, song chưa rõ chuyện này có khả thi vào thời điểm này hay không hay liệu Tehran có sẵn sàng tin Washington lần nữa hay không.

Về vấn đề Syria, ông Jeffrey cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Obama thực hiện chính sách “bối rối” khi đồng thời theo đuổi việc thay đổi chính phủ Syria và chống IS. Còn ông Trump tập trung vào đánh bại IS và “đẩy Iran ra ngoài” trong khi sử dụng lệnh trừng phạt để “đè bẹp” chính phủ Syria và buộc thay đổi chính phủ tại Damascus.

Tháng 6-2020, ông Jeffrey cho hay Mỹ không tìm cách “thay đổi chính phủ” mà là “thay đổi hành vi” của chính phủ Syria. Ông nói về lý thuyết Mỹ có thể chấp nhận Tổng thống Syria Bashar Al-Assad nắm quyền nếu ông tuân thủ tất cả yêu cầu của Washington để đổi lấy gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Dù vậy, ông thừa nhận chuyện này khó có khả năng xảy ra.

Các tay súng do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phản đối lệnh ngừng bắn ở tỉnh Idlib, Syria tháng 3-2020. Ảnh: Khalil Ashawi/REUTERS

Lệnh trừng phạt Caesar về cơ bản được thiết kế nhằm ngăn chặn việc tái xây dựng Syria khi ông Assad còn nắm quyền.

Quân đội Mỹ từng khẳng định nước này sẽ chỉ thực hiện sứ mệnh đánh bại IS, nhưng cuối cùng đã sử dụng lực lượng Mỹ tại đông bắc và nam Syria để mở rộng hơn nữa chính sách Syria bằng cách chặn nguồn lực của chính phủ ông Assad cùng đồng minh – ông Jeffrey viết trên Foreign Affairs.

Nếu không có giải pháp ngoại giao – nghĩa là ông Assad đầu hàng – thì cuộc chiến tranh tiêu hao hỗn độn này có khả năng sẽ tiếp diễn, ông Jeffrey nói thêm.

Tháng 3-2020, ông Jeffrey nói với báo giới rằng quân đội Mỹ có một sứ mệnh mới ở Nga, đó là “gây khó khăn” cho Nga trong việc giúp chính phủ Syria đánh bại tay súng liên hệ Al-Qaeda.

“Công việc của tôi là tạo ra một đầm lầy cho người Nga” – ông Jeffrey nói. “Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm đối lập vũ trang ở Syria đã làm việc với Mỹ để ngăn ông Assad giành thắng lợi quân sự mang tính quyết định, và các cuộc không kích của Israel được Mỹ hỗ trợ tại Syria làm hạn chế hơn nữa những lựa chọn quân sự của chính phủ Syria” – ông viết trên Foreign Affairs.

Ông Jeffrey xác nhận Washington đã tranh thủ được sự ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel về chương trình nghị sự của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm