Hãng tin Sputnik đưa tin, tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu xác nhận quân đội Nga có kế hoạch thành lập một đơn vị quốc phòng ven biển ở Chukotka, miền đông nước này. Được biết tiền đồn Chukotka cách bang Alaska (Mỹ) chừng 85 km.
Ông Shoigu cho biết căn cứ mới này sẽ được vận hành vào năm 2018. Quyết định này được đưa ra vào tháng 7-2015, là một phần trong kế hoạch thiết lập hệ thống phòng vệ bờ biển trải dài từ Bắc Cực cho tới vùng lãnh thổ Primorye ở phía Nam.
Nga sắp bố trí vũ khí hạt nhân áp sát biên giới Mỹ. Ảnh: GETTY
Theo bộ trưởng Quốc phòng Nga, hệ thống này nhằm mục đích “củng cố tầm kiểm soát các khu biển khép kín của quần đảo Kuril và eo biển Bering, bao gồm các tuyến đường triển khai lực lượng hạm đội Thái Bình Dương ở vùng biển Cực Đông và Cực Bắc. Đồng thời, hệ thống còn nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược hải quân của Nga đang hoạt động trong khu vực.
Nói cách khác, đơn vị quốc phòng ven biển này sẽ giúp bảo vệ bờ biển phía đông của nước này.
Daily Star bình luận việc điều động vũ khí hạt nhân của Nga trên bờ biển phía đông có thể là một bước đi chiến lược nhằm đối trọng với Mỹ.
Bình luận về thông tin này trên tờ Svobodnaya Pressa, nhà phân tích quốc phòng Sergei Ishchenko nhận định: “Đây không phải là một tin tức bình thường, ít nhất là bởi chúng ta đang nói về việc xây dựng một lực lượng quân sự hệ trọng chỉ cách nước Mỹ một khoảng cách rất gần”. Theo ông, lực lượng phòng thủ ven biển sắp được thành lập của Nga “đáng để nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Sputnik cho biết trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô từng có cơ hội “so kè” nhau. Đó là khi các tên lửa tầm trung Mỹ đóng ở Tây Âu có khả năng tấn công thủ đô của Liên Xô chỉ trong hơn năm phút.
Trong khi đó, Liên Xô từng triển khai tên lửa tầm trung SS-20 Pioneer tới bờ biển phía đông, có khả năng oanh tạc Alaska và các bang phía bắc ở bờ biển phía tây nước Mỹ từ vùng Chukotka.