Nga khởi tạo thỏa thuận Nagorno-Karabakh, kẻ khóc người cười

Một thỏa thuận do Nga khởi tạo đã chấm dứt cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh, khiến người Armenia phải thu dọn đồ đạc và đốt nhà của mình khi họ rời đi. Trong khi đó, Azerbaijan lên kế hoạch quay trở lại những vùng đất đã để mất từ lâu, theo báo The New York Times.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga gần tu viện Dadivank, huyện miền núi Kelbajar hôm 13-11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tại các dãy núi ở Nam Caucasus trên ranh giới Á-Âu, cuối tuần trước là một bước ngoặc trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập niên giữa Armenia và Azerbaijan quanh các vùng đất miền núi và bị cô lập mà hai bên tin rằng là của mình một cách hợp pháp.

Trong những năm 1990, đó là thời điểm người Azerbaijan buộc rời đi, còn bây giờ người buộc rời khỏi lại là người Armenia.

Theo thỏa thuận hòa bình do Nga làm cầu nối hôm 10-11, Azerbaijan sẽ kiểm soát khu vực ly khai có phần đông dân là người Armenia – đó là Nagorno-Karabakh. Theo luật pháp quốc tế, khu vực này vốn là lãnh thổ của Azerbaijan.

Gần 2.000 lính gìn giữ hòa bình của Nga sẽ tuần tra tại Nagorno – Karabakh trong ít nhất năm năm theo thỏa thuận đình chiến do Tổng thống Nga Vladimir Putin dàn xếp.

Thỏa thuận khẳng định lại tầm ảnh hưởng của Nga tại vùng Nam Caucasus và sự xuất hiện của người Nga phần lớn được người Armenia hoan nghênh.

 Thỏa thuận đình chiến Nagorno – Karabakh khiến kẻ khóc…

Xe hơi, xe tải ùn tắc trên các con đường núi vào giữa khuya 14-11, chở tất cả tài sản mà những người Armenia đang chạy trốn có thể mang theo: đồ đạc, gia súc, cửa kính.

Khi họ rời đi, nhiều người đã đốt nhà của mình, họ di cư trong làn khói cay sè và không khí nóng vì nhiệt. Cạnh những ngôi nhà đang bốc cháy là đống đổ nát cũ hơn: những xác nhà bị bỏ hoang cách đây ¼ thế kỷ, khi người Azerbaijan di tản và người Armenia chuyển tới khu vực này.

Khi chuẩn bị rời đi, nhiều người dân ở Kelbajar đã đốt nhà của mình. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Làm sao tôi có thể đốt cháy nó” – ông Ashot Khanesyan, người đàn ông Armenia 53 tuổi nói nói về ngôi nhà mà ông đã xây dựng và sắp bị bỏ hoang tại thị trấn Kelbajar. Những người hàng xóm của ông đã thúc giục ông phá hủy ngôi nhà, song ông nói: “Lương tâm tôi sẽ không cho phép tôi”.

Trong khi trói gà của mình bằng dây trắng, ông nói sẽ để lại khoai tây.

Phóng viên của The New York Times đã tới những khu vực do người Armenia kiểm soát và tới thủ đô Baku của Azerbaijan để ghi nhận thời điểm quan trọng của cả hai bên trong cuộc xung đột. Cuộc chiến đã lôi kéo một số lực lượng quốc tế lớn nhất trong khu vực, với việc Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Azerbaijan và Nga cố gắng chấm dứt cuộc chiến trong khu vực mà nước này từng cai trị.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, giám sát việc bàn giao lãnh thổ giữa Azerbaijan và Armenia, đã đi vào huyện Kelbajar hôm 13-11 trên những chiếc xe bọc thép chở quân. Họ thiết lập một trạm quan sát tại Dadivank, một tu viện có từ hàng thập kỷ mà người Armenia – chủ yếu theo đạo Thiên chúa lo sợ người Azerbaijan – chủ yếu theo đạo Hồi đến sẽ làm mất đi vẻ đẹp của nó.

 “Khi một người Armenia được sinh ra, tất cả họ đều biết về Artsakh” – cô Vergine Vartanyan (24 tuổi) vừa nói vừa khóc. Artsakh là từ người Armenia gọi Nagorno-Karabakh.

Cùng với hàng trăm người Armenia khác, hôm 13-11, cô Vartanyan đến tu viện Dadivank cầu nguyện cho những gì có thể là lần cuối cùng như một lời chia tay.

Hôm 14-11, trong những giờ phút gấp gáp trước khi họ nghĩ người Azerbaijan sắp kiểm soát huyện Kelbajar, những người Armenia quyết tâm làm xáo trộn khu vực này theo cách khó khăn nhất có thể. Họ đánh sập đường dây điện, tháo dỡ nhà hàng, trạm xăng. Những người đàn ông cầm máy cưa xích lao ra bên đường nhét những khúc gỗ vừa mới đốn hạ lên những chiếc xe tải.

Người dân tại một làng ngoại ô Kelbajar chở theo gia súc khi rời khỏi đây. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Hãy để họ chết vì lạnh đi” – một người đến từ Armenia nói khi đang thu nhặt những khúc gỗ.

Tại một ngân hàng ở Kelbajar hôm 13-11, một nhân viên đang phá bỏ những bức tường bên trong bằng cái vồ lớn, trong khi các công nhân mang mọi thứ từ cửa sổ, bàn làm việc, cửa chính chất lên xe tải. 

Tại một đồn cảnh sát, các sĩ quan đang uống rượu vodka để từ biệt, trong khi đống tài liệu chất cao gần 1 m đang cháy âm ỉ phía sau.

“Đây luôn là những vùng đất của Armenia” – một sĩ quan cảnh sát hét lên khi được hỏi ai là người từng sống ở Kelbajar trước đây.

Tại thủ đô Yerevan của Armenia, căng thẳng dâng cao trong những ngày gần đây khi người biểu tình cáo buộc Thủ tướng Nikol Pashinyan phản quốc vì đã ký thỏa thuận hòa bình. Ông Pashinyan cùng các quan chức quốc phòng nói rằng Armenia không có lựa chọn nào.

“Họ nói chúng tôi đang chiến thắng, chúng tôi đang chiến thắng và rồi đột nhiên hóa ra chúng tôi không thắng. Đây là sự phản quốc” - Karine Terteryan, 43 tuổi vừa nói vừa khóc cạnh một nhà hát opera ở trung tâm Yereva, sau khi cảnh sát bắt hàng chục người biểu tình.

Tại Quảng trường Cộng hòa ở Yerevan, một màn hình khổng lồ phát những video do binh sĩ Armenia dùng điện thoại quay lại. Một binh sĩ đe dọa trả thù người Azerbaijan.

“Cứ mỗi ô cửa bị vỡ, cứ mỗi ngôi nhà bị phá hủy, chúng tôi sẽ xông vào nhà của các người. Các người sẽ không thể yên giấc” – binh sĩ này cảnh báo, giọng vang khắp quảng trường.

Tuy vậy, dù có đau lòng nhưng một số người Armenia lớn tuổi tiếc nuối nhớ lại những ngày họ sống cùng với người Azerbaijan như bạn bè và hàng xóm. Quá khứ này dường như vừa mới xảy ra gần đây nhưng thế hệ trẻ sẽ không thể nào hình dung ra được.

Ông Igor Badalyan (53 tuổi), người Armenia rời quê hương Baku cách đây 25 năm nói rằng chính những chính trị gia chứ không phải dân thường gây ra xung đột.

 … người cười

 Trái ngược với đó, cảnh tượng ở thủ đô Baku của Azerbaijan khó có thể rõ nét hơn. Tại Baku, những lá cờ ăn mừng được treo hầu hết trên mọi bề mặt, treo trên ban công, phủ trên nóc xe hơi, cửa sổ rồi quấn quanh vai một thiếu niên tại nghĩa trang Martyrs’ Alley trên một sườn đồi nhìn ra Biển Caspia.

Người dân tại Baku (Azerbaijan) ăn mừng hôm 15-11. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Người Azerbaijan đổ ra đường ăn mừng hôm 10-11 ngay sau khi Tổng thống nước này Ilham Aliyev thông báo cuộc chiến kết thúc và lực lượng Armenia sẽ rút khỏi ba huyện liền kề Nagorno-Karabakh, đồng thời bàn giao lại cho Azerbaijan kiểm soát.

“Chúng tôi quá vui mừng vì cuối cùng chúng tôi đã chiến thắng, cảm ơn Chúa. Cuối cùng, người dân Karabakh có thể về nhà” - Ibrahim Ibrahimov, 18 tuổi, sinh viên khoa học máy tính đi cùng hai người bạn gần bờ biển ở Baku nói.

Người Armenia và Azerbaijan đã sống cạnh nhau khi hai nước là một phần của Liên Xô. Tuy nhiên, sự hận thù sắc tộc kéo dài cả thế kỷ bùng phát khi Liên Xô tan rã. Nagorno-Karabakh với phần lớn dân là người Armenia đã trở thành lãnh thổ của Azerbaijan. Armenia đã chiến thắng trong một cuộc chiến giành lãnh thổ trong đầu những năm 1990, giết chết khoảng 20.000 người và buộc một triệu người sơ tán, chủ yếu là người Azerbaijan.

Người Azerbaijan không chỉ bị trục xuất khỏi Nagorno-Karabakh mà còn khỏi bảy huyện lân cận, trong đó có Kelbajar – nơi sinh sống của hầu hết người Azerbaijan.

Toàn bộ khu vực trở thành Cộng hòa Nagorno-Karabakh nhưng không được quốc tế công nhận. Mong muốn của Azerbaijan về việc hồi hương công dân nước mình – những người buộc sơ tán khỏi nhà đã trở thành động lực trong hoạt động chính trị của họ.

¼ thế kỷ với những cuộc đàm phán thành bại liên tục đã không thể giải quyết được bế tắc. Vào vào ngày 27-9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev mở cuộc tấn công tái chiếm khu vực này bằng vũ lực. Các máy bay không người lái hiện đại đã “nghiền nát” người Armenia trong chiến hào của họ. Ít nhất 2.317 binh sĩ Armenia thiệt mạng trong khi Azerbaijan không công bố con số tử vong bên mình.

Đến đầu tháng 11, khi lực lượng Azerbaijan tiếp cận TP pháo đài Shusha – nơi mang đậm dấu ấn lịch sử và biểu tượng đối với hai quốc gia, người Azerbaijan hầu như không ngủ và chỉ theo dõi tin tức trên truyền hình nhà nước.

“Tất cả chúng tôi đều bật khóc” – anh Teymur (37 tuổi) nhớ lại khoảnh khắc khi ông Aliyev thông báo Azerbaijan đã chiếm được Shusha. Anh Teymur cho hay anh đã xem thông báo này cùng với dì mình trong căn hộ và những người hàng xóm đã kéo đến chúc mừng. Nhiều người trong số họ, giống như gia đình anh, đến từ Shusha.

 “Đó là sự kết thúc cho nỗi khát khao và khoảng thời gian sống tồi tệ. Khi bạn là người buộc ly hương và khi bạn khát khao nơi đó mà không thể ghé thăm, thì nơi đó dù là tảng đá hay ngọn núi đều giống như người bạn yêu quý. Bạn muốn hôn nó, muốn nằm xuống và cảm nhận năng lượng từ hơi đất” – Teymur nói.

Niềm vui chưa trọn vẹn

Gần một triệu người bị mất đất trong cuộc chiến đầu tiên giữa hai nước trong những năm 1990 và được tái định cư tại những thị trấn và khu định cư khắp Azerbaijan. Nhiều gia đình vẫn sinh sống trong những căn hộ chật chội trong và xung quanh Baku và niềm vui của họ chưa trọn vẹn vì xen lẫn nhiều đau thương.

Người Azerbaijan hôm 13-11 đến tượng đài ngọn lửa vĩnh cửu nhìn xuống thủ đô Baku để tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến tại Nagorno-Karabakh. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Chúng tôi rất hạnh phúc nhưng nhiều người trẻ tuổi của chúng tôi đã chết ở nơi đó. Tất cả thi thể đang được đưa trở về ” – bà Elnare Mamedova (46 tuổi) nói về cuộc chiến gần đây tại và xung quanh Nagorno – Karabakh.

Bà Mamedova mở điện thoại mình lên và cho xem bức ảnh con trai của người hàng xóm- một binh sĩ nằm trong bệnh viện với vết thương do đạn bắn ngay đầu.

“Nó đã hôn mê 40 ngày” – bà nói. Bà cho biết con trai của một người hàng xóm khác cũng mất tích. “Chúng tôi không biết nó ở đâu, có lẽ nó đã bị bắt” - bà nói.

Chưa rõ khi nào những người Azerbaijan ly hương có thể quay trở về. Tổng thống Aliyev cam kết xây dựng lại cơ sở hạ tầng và loại bỏ mìn trong khu vực trước khi cho phép các hộ gia đình trở về đây sinh sống.

Azerbaijan hoãn tiếp quản lãnh thổ Armenia bàn giao lại

Theo hãng tin AP, hôm 15-11, Azerbaijan quyết định hoãn tiếp quản một vùng lãnh thổ mà Armenia bàn giao lại theo nội dung trong thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, Azerbaijan chỉ trích hành động đốt nhà của những người đang rời khỏi khu vực, gọi đây là khủng bố sinh thái.

Theo thỏa thuận, Amernia sẽ bàn giao huyện Kelbajar vào ngày 15-11. Tuy nhiên, Azerbaijan đồng ý hoãn tiếp quản nơi này cho tới ngày 25-11 sau đề nghị của Armenia. Trợ lý tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev cho hay điều kiện thời tiết xấu gây khó khăn cho việc rút quân của lực lượng Armenia và dân thường dọc theo con đường duy nhất xuyên qua lãnh thổ miền núi nối Kelbajar với Armenia.

Sau khi thỏa thuận được thông báo vào sáng 10-11, nhiều người dân bất mãn đã đốt nhà trước khi sơ tán, khiến chúng không thể sử dụng được khi người Azerbaijan chuyển tới.

“Người Armenia đang phá hoại môi trường và tài sản dân sự. Việc phá hoại môi trường, khủng bố sinh thái phải bị ngăn chặn” – ông Hajiyev nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới