Nga đã thắng nhưng cũng có thể thua tại Nagorno-Karabakh

Sau khi làm cầu nối cho một thỏa thuận hòa bình giữa Azerbaijan và Armenia hôm 10-11, chấm dứt cuộc chiến ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, Nga dường như sẽ ở vị trí dẫn dắt địa chính trị tại khu vực tranh chấp chiến lược Nam Caucasus, theo trang tin Asia Times.

Tuy nhiên, nếu như vậy mà đánh giá Nga là bên chiến thắng cuối cùng trong cuộc xung đột thì có lẽ đã quá vội vàng vì còn nhiều vấn đề cấp bách và quan trọng khác còn chưa được giải quyết.

Thắng lợi trước mắt của Nga

Theo thỏa thuận hòa bình do Nga soạn thảo, Moscow sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh và lực lượng này sẽ đóng vai trò như “tấm đệm” ngăn cách Armenia và Azerbaijan trong tương lai gần.

Hai binh sĩ gắn cờ trên xe quân sự của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga khi xe di chuyển tới TP Martuni (Armenia). Ảnh: Russian Defense Ministry/ AFP

Những lực lượng này sẽ bảo vệ hiệu quả phần lãnh thổ Nagorno-Karabakh do Armenia quản lý. Khu vực này được chia thành hai vùng phía bắc và phía nam theo bản đồ do Bộ Quốc phòng Nga lập ra.

Thỏa thuận còn quy định sẽ mở ra hai hành lang giao thông, một nối từ Armenia tới Nagorno-Karabakh và cái còn lại nối Azerbaijan xuyên qua lãnh thổ Armenia tới khu tự trị Nakhchivan.

Thỏa thuận ba bên, không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và các thành viên Nhóm Minsk (Mỹ, Pháp), đánh dấu một cột mốc mới trong việc nắm quyền thống lĩnh của Nga trong khu vực, đảo ngược đà ủng hộ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Armenia lẫn Azerbaijan trước cuộc xung đột.

Ngoài ra, thỏa thuận đình chiến có khả năng sẽ tác động tới kế hoạch của Georgia trong việc trở thành thành viên của NATO trong tương lai gần.

Đáng chú ý, Nga đã từ chối đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nagorno-Karabakh, thay vào đó giới hạn Ankara ở vai trò giám sát. Lần này, Nga ít sẵn sàng cho phép sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ như đã từng cho thấy ở Syria và Libya xa xôi.

Azerbaijan biết rõ giới hạn cho phép của Nga, nhận thức được rằng bất chấp bước đi sai lầm hay hành động vượt quá mức nào của Baku về việc ủng hộ Ankara đều có thể đẩy Moscow nghiêng hẳn về Yerevan.

Sự ủng hộ của Nga sẽ là quan trọng cho sự sống còn của người Armenia còn ở lại Nagorno-Karabakh khi 1/3 khu vực này, kể cả TP quan trọng địa chiến lược Shusha (TP lớn nhất của Nagorno-Karabakh và rất gần thủ phủ Stepanaker) - đã rơi vào tay Azerbaijan.

Sự can thiệp của Nga đã ngăn Azerbaijan giành thắng lợi hoàn toàn nhưng cũng cứu được nước này khỏi nguy cơ nổ ra một cuộc nổi dậy trong tương lai tại những khu vực của Nagorno-Karabakh có phần lớn dân là người Armenia.

Bên cạnh đó, Nga hiện giờ sẽ có một căn cứ quân sự nằm trực tiếp tại Nagorno-Karabakh, bổ sung vào danh sách các căn cứ khác mà nước này duy trì tại Transcaucasus, gồm Armenia, Abkhazia và Nam Ossetia. 

Thỏa thuận Nagorno-Karabakh chỉ là bước nghỉ dạo đầu cho một cuộc chiến mới?

Tuy nhiên, Nga đang trực tiếp vướng vào một bối cảnh xung đột phức tạp sẽ tốn kém và có thể kéo dài nhiều năm với kết quả mờ mịt. Nói gì thì nói, cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan đã làm tổn hại uy tín và thanh thế của Nga và vẫn chưa rõ sự hòa giải hậu xung đột của Tổng thống Vladimir Putin có đủ để bù đắp cho “số vốn” địa chính trị bị mất trong cuộc chiến này hay không.

Ngôi nhà bị phá hủy sau cuộc pháo kích gần đây ở TP Stepanakert – thủ phủ của Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh. Ảnh: Iliya Pitalev/ Sputnik/ AFP

Thật vậy, thỏa thuận đình chiến trên giấy sẽ không nhất thiết chuyển thành một thỏa thuận trên thực tế. Nga sẽ bảo vệ hành lang Lachin quan trọng nhưng liệu con đường nối Nakhchivan với Azerbaijan có sớm thành hiện thực?

Con đường này sẽ khó mở ra khi người dân Armenia phẫn nộ chống lại thỏa thuận, thể hiện qua nhiều cuộc biểu tình trên đường phố Yerevan. Hơn nữa, bản thân Moscow cũng cảnh giác khả năng Ankara sẽ khai thác con đường này để tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực.

Rõ ràng hơn, thỏa thuận là một bước lùi của “Các nguyên tắc Madrid” do Nhóm Minsk thúc đẩy nhằm cho phép người dân tại Nagorno-Karabakh quyết định tình trạng của họ thông qua trưng cầu dân ý.

Thỏa thuận đình chiến công nhận Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan. Do đó, thời điểm Nga chấm dứt hoạt động gìn giữ hòa bình của mình thì Nagorno-Karabakh sẽ thuộc quyền kiểm soát của Baku.

Trong trường hợp này, Armenia sẽ mất niềm tin vào Nga và có khả năng quay sang phương Tây. Đã có sự bất mãn mạnh mẽ của người Armenia đối với những gì mà họ cho là một thỏa thuận dán nhãn hòa bình nghiêng về Azerbaijan.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tham dự cuộc họp của Hội đồng Kinh tế Á – Âu tối cao ở TP in St. Petersburg (Nga). Ảnh: Sergey Guneev / Sputnik/ AFP Forum

Nói cách khác, người dân Armenia đã xuống đường bày tỏ quan điểm của họ rằng Tổng thống Nga Putin có thể và lẽ ra nên thể hiện ý chí quyết liệt hơn và nên sử dụng vũ lực để hỗ trợ Armenia – một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Tuy nhiên, thay vào đó, ông Putin đã nhượng bộ quá nhiều lãnh thổ cho Azerbaijan.

Dù vậy, những chỉ trích này có thể là quá sớm. Việc Nga kích hoạt Hàng không tầm xa – một nhánh của Không quân Nga làm nhiệm vụ oanh tạc các mục tiêu chiến lược để tuần tra chiến đấu tại khu vực Caspi có khả năng đóng vai trò trực tiếp đối với quyết định của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev về việc đình chỉ các hoạt động sau khi chiếm Shusha.

Các nhà sử học sẽ cân nhắc xem liệu phản ứng chậm trễ của ông Putin trong cuộc xung đột -một cuộc xung đột khiến Armenia trả giá bằng TP Shusha, có cho thấy sự yếu kém trong khả năng lãnh đạo của ông hay không.

Sai lầm của Armenia

Tuy nhiên, có lẽ Armenia đã tính toán sai lầm, đặc biệt là khi họ đánh giá thấp vai trò của những máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho Azerbaijan.

“Chiến lược răn đe chủ động” do Bộ trưởng Quốc phòng Armenia David Tonoyan dẫn đầu loại bỏ “chiến lược chiến hào” lỗi thời để chuyển sang lực lượng phản công cơ động. Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào chiến lược này được chứng minh là sai lầm.

Một phần lớn khí tài quân sự của Armenia bị máy bay không người lái của Azerbaijan phá hủy trong cuộc chiến kéo dài sáu tuần. Điều này rõ ràng cho thấy cái giá khủng khiếp mà một quốc gia phải trả khi phụ thuộc vào một chiến lược phòng thủ lỗi thời và mơ hồ.

Bất kỳ đánh giá khách quan nào về vai trò của Nga trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh chắc chắn đều phải dựa trên một đánh giá tổng hợp, nêu ra những được mất trong chiến lược của Nga. Đánh giá cuối cùng sẽ dựa trên việc thực thi thỏa thuận hòa bình.

Thực tế, việc Armenia thiếu sự đồng thuận rõ ràng về chính trị cho thấy thỏa thuận đình chiến do Nga điều phối chỉ là bước nghỉ dạo đầu của cuộc chiến tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm