Tổng thống Armenia – ông Armen Sarkissian tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ kích động cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh nhằm giành quyền kiểm soát các nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu từ vùng Caspia – một khu vực giàu “vàng đen” và nhiều đường ống dẫn khí đốt.
Thiết bị quân sự bị hư hỏng của lực lượng phòng thủ Nagorno-Karabakh tại khu vực Hadrut. Ảnh: Valery Melnikov/SPUTNIK
Trả lời nhật báo Kommersant (Nga) hôm 19-10, Tổng thống Sarkissian cho hay Thổ Nhĩ Kỳ từng là “người tiêu thụ (năng lượng) nhưng giờ sẽ là nhà quản lý”.
“Cuộc xung đột càng kéo dài, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Azerbaijan sẽ càng sâu. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước láng giềng của Nga và về cơ bản họ sẽ có biên giới đất liền. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quản lý các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến châu Âu” – ông Sarkissian nói.
Theo Tổng thống Sarkissian, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng trực tếp tới an ninh năng lượng của cả châu Âu lẫn Trung Á bằng cách có thể kiểm soát dầu và khí đốt mà họ không sở hữu.
Hôm 18-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Mỹ, Nga và Pháp cung cấp vũ khí cho Armenia. Tổng thống của ba nước Mỹ, Nga và Pháp là chủ tịch của Nhóm Minsk do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thành lập năm 1992 với nhiệm vụ chấm dứt xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.
Hôm 27-9, khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh chứng kiến sự leo thang bạo lực nghiêm trọng nhất giữa Armenia và Azerbaijan trong gần ba thập niên. Trong những tuần gần đây kể từ khi giao tranh nổ ra, các nhà lãnh đạo trên thế giới nhiều lần kêu gọi hòa bình trong khu vực.
Hồi đầu tháng này, Azerbaijan và Armenia thống nhất ngừng bắn, song lệnh ngừng bắn nhanh chóng bị vi phạm.
Trả lời hãng tin TASS hôm 19-10, Tổng thống Azerbaijan - ông Ilham Aliyev cho hay nước này sẵn sàng chấm dứt tất cả hành động quân sự trong một khoảng thời gian ngắn nếu Armenia hành động mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán.
“Tình hình vẫn “nóng” không phải lỗi của chúng tôi. Tôi nhiều lần nói rằng Azerbaijan cam kết tuân thủ các nguyên tắc được tạo ra từ tiến trình đàm phán lâu dài. Chúng tôi sẵn sàng chấm dứt hành động thù địch ngay ngày mai nếu Armenia hành động mang tính xây dựng trong các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, những tuyên bố mà chúng tôi nghe được từ Yerevan hoàn toàn đi ngược lại các quy tắc cơ bản được vạch ra trong Nhóm Minsk” – Tổng thống Aliyev nói.
Ngoài ra, ông Aliyev còn quy trách nhiệm cho Armenia trong việc phá vỡ các cuộc đàm phán.
“Giới lãnh đạo Armenia gần đây đưa ra những tuyên bố rất nguy hiểm, trên thực tế là bác bỏ các nguyên tắc cơ bản. Tất cả hành động của giới lãnh đạo Armenia đều nhằm phá vỡ tiến trình đàm phán. Vì thế, nếu phía Armenia cuối cùng nhận ra rằng lựa chọn khiêu khích quân sự sẽ dẫn tới thảm họa, chúng tôi sẵn sàng lần nữa đình chỉ hành động quân sự và giải quyết vấn đề trên bàn đàm phán” – ông Aliyev nhấn mạnh.