Tất cả nghi vấn sẽ có lời giải đáp khi các phi hành gia người Nga lên mặt trăng, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga tuyên bố.
“Chúng tôi đã và đang thiết lập một sứ mệnh như vậy - đi tới đó và kiểm tra xem liệu họ (người Mỹ) có từng tới đó hay không. Người Mỹ nói rằng họ đã ở đó. Chúng tôi sẽ xác minh điều này” - Dmitry Rogozin, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), nói đùa khi trả lời câu hỏi liên quan tới thăm dò mặt trăng, theo RT ngày 24-11.
Phi hành gia Buzz Aldrin cắm lá cờ Mỹ trên bề mặt trăng sau khi ông và cộng sự Neil Armstrong trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng. Ảnh: NASA
Ông Rogozin nói rằng hiện nay không một quốc gia nào có khả năng tự thực hiện một chương trình về mặt trăng thành công. Nga dự định hợp tác với Mỹ về việc thăm dò vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất này, ông Rogozin nói khi ông tới thăm một nhà sản xuất động cơ tàu vũ trụ của Nga ở Moscow.
Theo lộ trình về chương trình thăm dò mặt trăng của Nga được tiết lộ gần đây, các phi hành gia của Nga sẽ lần đầu tiên đặt chân lên mặt trăng vào đầu những năm 2030 như một phần trong sứ mệnh kéo dài 14 ngày. Một trạm vũ trụ được xây dựng trong quỹ đạo mặt trăng có thể được triển khai phục vụ cho việc đáp xuống mặt trăng.
Đầu tháng 11, ông Rogozin có nói cơ quan này dự định xây dựng một căn cứ lâu dài trên mặt trăng, một phần của kế hoạch thám hiểm mặt trăng và nghiên cứu vệ tinh nhân tạo với sự trợ giúp của robot. Ông Rogozin cũng cho rằng chương trình của Nga tham vọng hơn các chương trình của Mỹ những năm 1960 và 1972.
Kể từ khi phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng ngày 21-7-1969, chính thức trở thành người đầu tiên đến một hành tinh khác, cùng câu nói nổi tiếng trong lịch sử: "Đây là bước đi nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại”. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã đặt câu hỏi về màn đáp mặt trăng của ông Neil Armstrong. Và chính cuộc đua vào không gian với Liên Xô đã khiến nhiều người nghi ngờ rằng chiến tích này của Mỹ thực ra chỉ là giả mạo.
Theo kết quả nhiều cuộc khảo sát khác nhau, khoảng 7%-20% người Mỹ tin rằng màn đáp mặt trăng lịch sử của Mỹ năm 1969 chỉ là sản phẩm dàn dựng. Trong khi đó, ở nước Nga, một cuộc khảo sát trong mùa hè vừa qua tiết lộ 57% người cho rằng người Mỹ chưa bao giờ đi tới mặt trăng.