Hợp đồng S-400 trị giá khoảng 2,5 tỉ USD đã khiến phương Tây lo ngại vì Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và hệ thống S-400 này không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí chung của NATO.
Gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã có nhiều động thái nhằm tăng cường khả năng phòng thủ khi phải đối mặt mối đe dọa từ IS và phiến quân người Kurd, cùng với xung đột biên giới ở Syria và Iraq.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về hợp đồng này. Tuy nhiên, ngày 27-12, ông Sergei Chemezov - người đứng đầu tập đoàn chế tạo vũ khí Rostec của Nga trả lời tờ Kommersant rằng theo hợp đồng, Nga sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ bốn hệ thống S-400.
Ông cho biết Moscow dự kiến sẽ bắt đầu chuyển giao hệ thống vào tháng 3-2020. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là thành viên NATO đầu tiên có hệ thống tên lửa tiên tiến này.
Hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa và tầm trung S-400 Triumph của Nga tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga vào ngày 9-5-2015. Ảnh: REUTERS
Trước đó, vào sáng 29-11, báo chí Thổ Nhĩ Kỳ đã dẫn lời Tổng thống Tayyip Erdogan rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vay tiền theo đơn vị tiền tệ Nga trong một hợp đồng cho vay theo thỏa thuận.
"Chúng tôi sẽ không vay đôla mà sẽ vay tiền rúp của Nga" - tờ Hurriyet dẫn lời ông Erdogan khi ông trên đường trở về từ châu Phi.
Theo ông Chemezov, trước hết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thanh toán 45% giá trị hợp đồng, còn 55% còn lại Nga sẽ cung cấp các khoản vay.
Bộ Tài chính Nga sẽ tài trợ cho hợp đồng từ kho bạc nhà nước, trong khi đó các ngân hàng Nga sẽ chỉ tham gia vào việc chuyển các khoản tiền trong hợp đồng, một nguồn tin từ ngân hàng Nga cho biết.
Cận cảnh hệ thống S-400 Triumph. Ảnh: REUTERS
Mối quan hệ giữa Moscow và Ankara đã trở nên xấu đi vào năm 2015, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga vì xâm phạm không phận. Tuy nhiên, hai bên đã khôi phục mối quan hệ dù có quan điểm khác nhau trong cuộc chiến Syria.
Hiện hai bên đang hợp tác về các nỗ lực hòa bình của Syria, cũng như các dự án trong ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng.
Trong khi thúc đẩy dự án S-400, Ankara cũng tìm cách đảm bảo các hợp đồng quốc phòng với các nước khác.
Hồi tháng 11, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Ý định thư với Pháp và Ý nhằm tăng cường hợp tác trong các dự án quốc phòng. Bước đầu tiên, tập đoàn Pháp-Ý Eurosam và các công ty Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xem xét một hệ thống dựa trên hệ thống tên lửa SAMP-T.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư mạnh cho phát triển ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, với các dự án máy bay chiến đấu, xe tăng, máy bay không người lái và tàu chiến.