Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine vừa lên tiếng chỉ trích Mỹ sai lầm khi đe dọa các nước trước phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) kêu gọi không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel như quyết định của Mỹ. Theo Ngoại trưởng Palestine Riyad al-Maliki, Mỹ “đang phạm một sai lầm nữa khi chuyển bức thư cố gắng đe dọa các nước, đe dọa quyết định toàn quyền của họ chọn bỏ phiếu như thế nào”.
Trong khi đó Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cáo buộc Mỹ dọa dẫm và làm áp lực lên các nước trước phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ. “Chúng ta biết rằng Mỹ - nước đã bị cô lập tại Hội đồng Bảo an LHQ - quay đầu đe dọa chúng ta. Mỹ nói “chúng tôi sẽ theo dõi ai bỏ phiếu như thế nào, chúng tôi sẽ báo cáo tổng thống, ghi chú lại các nước”. Quý vị sẽ làm gì khi quý vị viết tên các nước xuống? Quý vị sẽ chiếm đóng các nước đó, hay sẽ trừng phạt họ?” -ông Cavusoglu nói với báo chí trước khi lên đường sang New York (Mỹ) dự phiên bỏ phiếu. Cùng đi với ông là Ngoại trưởng Palestine al-Maliki.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với báo chí tại sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20-12, trước khi bay sang New York (Mỹ) dự phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng LHQ. Ảnh: AA
Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, Mỹ cần chấm dứt các hành động này vì “không một đất nước tự trọng nào chịu khuất phục áp lực này, mỗi nước sẽ có quyết định tùy vào lương tâm chính mình”. Ông Cavusoglu cho biết trước mắt Azerbaijian và Iran đã đồng ý đứng cùng phe Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết.
Hai ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và Palestine có phản ứng không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ cắt hỗ trợ nước nào bỏ phiếu phản đối Mỹ tại Đại hội đồng LHQ. Ngày trước đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley vừa viết trên Twitter vừa gửi mail cho hàng chục nước cảnh cáo Mỹ sẽ “ghim tên” các nước bỏ phiếu phản đối Mỹ.
193 nước thành viên Đại hội đồng LHQ sẽ có phiên họp khẩn và hiếm hoi trong ngày 21-12 (giờ Mỹ) bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết. Trong khuôn khổ cuộc họp HĐBA LHQ ngày 18-12, Mỹ đã bị cô lập khi toàn bộ 14 nước thành viên đều bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết. Và Mỹ đã lần đầu tiên trong hơn sáu năm phải dùng với quyền phủ quyết để phong tỏa dự thảo nghị quyết được thông qua.