Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ có buổi họp khẩn hiếm hoi vào ngày 21-12 (giờ New York, Mỹ) theo yêu cầu của nhiều nước về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Thông điệp cảnh báo của đại sứ Mỹ
Tại đây, các nước thành viên LHQ sẽ bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi không đơn phương công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, kiềm chế đặt cơ sở ngoại giao ở Jerusalem. Dự thảo này ngày 18-12 đã không được Hội đồng Bảo an (HĐBA) thông qua dù được 14 nước đồng thuận vì vướng sự phản đối của Mỹ, vốn là một trong năm thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Mỹ không có quyền phủ quyết ở Đại hội đồng LHQ. Điều này mở ra cơ hội thành công lớn hơn cho nghị quyết. Kết quả cuộc bỏ phiếu này dù không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng có sức mạnh về chính trị.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ngày 19-12 lên tiếng tạo áp lực để các nước không phản đối quyết định của Mỹ tại Đại hội đồng LHQ. Trên mạng xã hội Twitter ngày 19-12, bà Haley cảnh cáo Mỹ sẽ “ghim tên” nước nào bỏ phiếu thuận cho dự thảo nghị quyết chỉ trích quyết định của Mỹ, theo hãng Reuters. Bà Haley cho rằng Mỹ luôn bị đòi hỏi phải làm và cho nhiều hơn các nước khác tại HĐBA, vì thế khi Mỹ ra một quyết định thì không muốn những nước đã từng được giúp bày tỏ phản đối. Trước đó tại phiên biểu quyết ở HĐBA, nữ đại sứ Mỹ cũng từng chỉ trích cuộc biểu quyết là một sự sỉ nhục với Mỹ và một nỗi xấu hổ với các thành viên HĐBA.
Ngoài lời cảnh cáo trên Twitter, tạp chí Foreign Policy cho biết bà Haley còn gửi email đến hàng chục nước LHQ, trong đó có nhiều đồng minh chủ chốt, cảnh cáo về cuộc bỏ phiếu sắp đến. Bà Haley nhắc nhở các nước đừng quên Tổng thống Trump sẽ theo dõi cẩn thận cuộc bỏ phiếu này và đã chỉ đạo bà báo cáo về tình hình bỏ phiếu, về các nước phản đối Mỹ. Bà Haley cũng khẳng định không yêu cầu các nước tiếp bước công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển đại sứ quán đến Jerusalem.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley lẻ loi tại phiên biểu quyết ở HĐBA về dự thảo nghị quyết kêu gọi không công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, bà là người đầu tiên viện đến quyền phủ quyết của Mỹ tại HĐBA trong hơn sáu năm qua. Ảnh: AP
Nghị quyết khó bị ngăn cản
Theo Foreign Policy, từ những lời đe dọa của bà Haley có thể thấy Mỹ sẽ cân nhắc trả đũa các nước đi ngược lại ý chí. Chưa rõ lời đe dọa của bà Haley sẽ tác động thế nào đến kết quả bỏ phiếu. Trong khi đó, hãng Bloomberg dẫn nhận định bốn nhà ngoại giao tại LHQ rằng đe dọa của bà Haley sẽ không ảnh hưởng đến lá phiếu của phái đoàn nước họ, cũng như không có ý nghĩa gì nhiều với phần đông thành viên LHQ. Nhiều đồng minh thân cận của Mỹ như Anh và Pháp khả năng lớn sẽ bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết.
Tờ The Washington Post cho biết Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ sự bất đồng với quyết định của ông Trump về Jerusalem trong cuộc điện đàm giữa hai người ngày 19-12. Anh là một trong 14 nước bỏ phiếu thuận dự thảo nghị quyết tại HĐBA, đề nghị ông Trump rút quyết định về Jerusalem. Bộ Ngoại giao Nga ngày 19-12 cho rằng việc Mỹ phủ quyết nghị quyết của HĐBA về Jerusalem là điều đáng tiếc vì đi ngược lại ý muốn của cộng đồng quốc tế. Đài CNN cho biết đích thân Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu sẽ sang Mỹ dự cuộc bỏ phiếu. Đi cùng ông là người đồng cấp Palestine Riyad al-Maliki.
Đại hội đồng LHQ sẽ chỉ họp khẩn để xem xét một vấn đề mà HĐBA đã không xử lý được, với quan điểm đưa ra các khuyến cáo phù hợp với các thành viên về các biện pháp chung. Trước nay chỉ mới 10 cuộc họp thế này diễn ra. Lần cuối cùng là vào năm 2009 về việc xâm chiếm Đông Jerusalem và lãnh thổ Palestine. ___________________________ “Trong lúc quý vị cân nhắc lá phiếu của mình, tôi muốn quý vị biết rằng tổng thống Mỹ sẽ để ý đến cuộc bỏ phiếu. Tổng thống sẽ theo dõi sát, đã yêu cầu tôi báo cáo lại về các nước bỏ phiếu phản đối Mỹ. Chúng tôi sẽ ghi nhớ từng nước và từng lá phiếu” - tạp chí Foreign Policy trích bức thư điện tử Đại sứ Mỹ Nikki Haley gửi đến một số nước. |