Tăng cường cấm vận, mở cho Nga "lựa chọn"
"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp mới nhằm đáp trả các hành động của Nga, vì Moscow đã liên tục gây bất ổn cho Ukraine trong suốt tháng qua. Đặc biệt là sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Nga ở miền đông Ukraine", Obama cho biết.
"Washington đang theo dõi chặt chẽ việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine, nhưng Mỹ vẫn chưa thấy bằng chứng thuyết phục chứng minh Nga đã cố gắng dừng gây bất ổn cho Ukraine", Obama nhấn mạnh.
Obama nói thêm Mỹ tăng cường và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối Nga trong các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, năng lượng lẫn tài chính. Các động thái này sẽ càng làm Nga bị cô lập sâu sắc về chính trị và kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng đối với ông Putin và những người thân cận của ông.
Tuy nhiên trong bài phát biểu, Tổng thống Obama cũng đưa ra cho ông Putin một lựa chọn "Nếu Nga thực hiện đầy đủ cam kết của mình, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ được gỡ bỏ". Trái lại, nếu Nga tiếp tục những hành động tiêu cực và vi phạm pháp luật quốc tế, các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục được tăng cường.
Cũng trong hôm thứ Năm, Hội đồng châu Âu cũng đã công bố thông qua biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga đã được 28 thành viên Liên minh châu Âu đưa ra hồi đầu tuần này. Tương tự Mỹ, EU cũng đánh vào các lĩnh vực quốc phòng, tài chính và năng lượng.
Đồng thời hướng tới mục tiêu "bắn hạ" một số cá nhân được xem là người đưa ra quyết định hay có trọng trách quan trọng trong chính phủ Nga đã tham gia vào việc xâm phạm lãnh thổ và ngăn chặn hòa bình được tái thiết tại Ukraine.
Theo đó, danh sách 24 công dân Nga và quân ly khai tại miền đông Ukraine bị cấm đi lại và đóng băng tài sản tại EU đã được đưa ra. Song song đó, giá trị tiền tệ của Nga (đồng ruble) cũng rơi xuống mức thấp kỷ lục, 37,57/1 USD.
Sberbank trở thành "nạn nhân" mới nhất trong vòng trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga. (Ảnh: bloomberg.com)
Các lệnh trừng phạt mới siết chặt các giao dịch vũ khí giữa EU với các công ty quốc phòng của Nga. Đồng thời, cấm các nước EU tài trợ cho các công ty năng lượng của Nga như Rosneft, Transneft, và Gazprom Neft.
Cũng như Obama, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cho biết EU sẽ giám sát chặt chẽ tiến trình hòa bình tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt có thể được xem xét thả lỏng hoặc bãi bỏ trước khi kết thúc tháng 9-2014 nếu các hành động của Nga thể hiện được thiện chí, ngừng bắn, và rút quân ra khỏi Ukraine để trao trả quyền kiểm soát cho Kiev.
Cả ông Obama và Herman Van Rompuy đều khẳng định rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ được công bố chi tiết và có hiệu lực vào hôm nay (12-9).
Nga bác cáo buộc và "trả đũa"
Tính đến nay, các nước phương Tây đã nhiều lần áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Những hành động này dựa trên các cáo buộc rằng Nga đã can thiệp chủ quyền Ukraine, cung cấp vũ khí và thiết bị cho quân ly khai, làm cho khủng hoảng leo thang tại miền Đông Kiev.
Tuy nhiên những cáo buộc từ phương Tây đến nay vẫn chưa có bằng chứng. Phía Nga liên tục bác bỏ những cáo buộc từ Mỹ và EU.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 11-9 cũng cáo buộc EU đã gây ảnh hưởng tiêu cực, ngăn chặng những nỗ lực tạo dựng hòa bình tại Ukraine thông qua các biện pháp cấm vận mới. Moscow còn chỉ trích việc tăng cường trừng phạt là "hành động thiếu thiện chí", đồng thời cảnh báo Nga sẽ tiếp tục trả đũa xứng đáng những gì EU đã gây ra. Cụ thể, một danh sách cụ thể các mặt hàng của EU sẽ bị cấm nhập khẩu vào Nga trong thời gian tới.
Nga cho rằng những cáo buộc của Mỹ, EU, NATO rằng Nga đưa quân đội, vũ khí sang Ukraine để củng cố lực lượng ly khai ở các tỉnh Donetsk và Luhansk phía đông Ukraine là không có cơ sở và vô lý.
Theo quan một quan chức NATO cho hay, vào thời điểm ngày 11-9, Nga vẫn còn ít nhất 1.000 binh sĩ ở miền đông Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko lại cho hay ngày 10-9, Nga đã rút 70% quân đội tuyên bố Kiev đã được gửi vào miền đông Ukraine nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình và thực hiện thỏa thuận ngừng bắn "mong manh".
Trước đó không lâu, Moscow cũng mạnh tay "trả đũa" bằng cách áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thịt, hải sản, trái cây và rau quả, cũng như các sản phẩm sữa từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Úc và Na Uy. Lệnh cấm có hiệu lực kéo dài cả năm.