Thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine

Ngày 5-9, tại thủ đô Minsk (Belarus), trong khuôn khổ cuộc họp của Nhóm tiếp xúc về khủng hoảng Ukraine, đại diện của chính phủ Ukraine và đại diện của lực lượng ly khai ở vùng Donetsk và vùng Luhansk đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine. Hai bên cũng đồng ý trao trả tù binh.

Nhóm tiếp xúc về khủng hoảng Ukraine bao gồm các đại diện của Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Hãng tin RIA Novosti (Nga) cho biết thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực tính từ 18 giờ ngày 5-9 theo giờ địa phương.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ra lệnh quân đội ngừng bắn ở miền Đông Ukraine. Ông chỉ đạo Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin phối hợp với Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu giám sát thỏa thuận ngừng bắn.

Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Newport. Ảnh: REUTERS

Người phát ngôn tổng thống Nga ra tuyên bố hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn. Tuyên bố nói Nga hy vọng các bên sẽ tôn trọng các điều khoản thỏa thuận ngừng bắn và tiếp tục đàm phán cho đến khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine được giải quyết hoàn toàn.

Trong khi đó, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh NATO, ngày 5-9, Ủy ban NATO-Ukraine đã ra thông cáo nêu rõ NATO và Ukraine sẽ phát triển hợp tác về quân đội bằng cách cho phép Ukraine tham gia thường xuyên các cuộc tập trận của NATO.

Rốt cuộc vấn đề Ukraine muốn gia nhập NATO vẫn chưa được giải quyết ngay.

Báo Người Quan Sát Mới (Pháp) ghi nhận cho dù Ukraine và NATO khăng khăng cho rằng Nga đã đưa quân và vũ khí yểm trợ cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và bất chấp tiếng kêu gào đòi cấp vũ khí của Ukraine, NATO vẫn không lay chuyển. Tại sao như thế?

Chuyên gia Philippe Migault ở Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (Pháp) đưa ra ba lý do giải thích:

Không có gì chứng minh quân đội Nga hiện diện ở Ukraine: Nếu trên thực tế có cố vấn Nga, lực lượng tình nguyện Nga và vũ khí Nga cung cấp ở miền Đông Ukraine thì như vậy vẫn chưa thể cho rằng Nga xâm lược Ukraine. NATO cho rằng tối thiểu có 1.000 quân Nga ở Ukraine trong khi Tổng thống Putin tiếp tục khẳng định Nga không tham chiến ở Ukraine.

Ukraine không phải là nước thành viên NATO: Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký kết ngày 4-4-1949 quy định: Một vụ tấn công có vũ trang chống lại một hay nhiều nước thành viên NATO sẽ được xem như một vụ tấn công chống lại tất cả các nước thành viên.

Lúc đó, mỗi nước thành viên có quyền hỗ trợ cho một hoặc các bên bị tấn công. Mức độ hỗ trợ có thể sử dụng quân đội. Tuy nhiên, do Ukraine không phải là nước thành viên NATO nên NATO không thể áp dụng điều 5 để cấp vũ khí.

Vấn đề lợi ích kinh tế:NATO là một tổ chức chính trị hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Trong khủng hoảng Ukraine, các nước vùng Baltic và Ba Lan tuyên bố muốn NATO hành động chống Nga nhiều hơn nhưng Cộng hòa Czech lại không muốn quân NATO đồn trú lâu dài ở Czech.

Đức, Ý và Pháp có lợi ích kinh tế cực kỳ lớn đối với Nga. Đối với các nước Nam Âu, chưa thể dự báo thiệt hại kinh tế sẽ như thế nào. Về phần Mỹ, Mỹ thực hiện chiến lược tương tự như với Syria, đó là cố gắng thương lượng và để mặc tình hình diễn ra.

Ngay như Ba Lan muốn NATO hành động nhưng cũng phản đối Liên minh châu Âu viện trợ quân sự cho Ukraine vì như thế có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân.

HOÀNG DUY - LÊ LINH

Trước hội nghị của Ủy ban NATO-Ukraine, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết với tư cách là liên minh quân sự, NATO không có thiết bị quân sự riêng. Ông cho rằng các nước thành viên NATO có toàn quyền quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không và NATO không có ý định can thiệp vào quyết định này.

15 triệu euro NATO đã nhất trí viện trợ cho Ukraine sau hội nghị của Ủy ban NATO-Ukraine ngày 4-9. Ngày 5-9, Nhật thông báo tiếp tục viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho Ukraine 300.000 USD. Hồi tháng 6, Nhật đã viện trợ 270.000 USD cho người tị nạn Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm