Sau hơn năm tháng căng thẳng và đánh nhau ác liệt, đại diện của chính phủ Ukraine và đại diện của lực lượng ly khai ở vùng Donetsk và vùng Luhansk đã ký thỏa thuận ngừng bắn tại miền Đông Ukraine hôm thứ Sáu vừa qua (5-9) tại thủ đô Minsk (Belarus). Theo đó, kể từ 18 giờ ngày 5-9 (theo giờ địa phương), quân đội chính phủ lẫn quân ly khai ngay lập tức phải ngừng mọi cuộc tấn công.
Ukraine vẫn kẹt giữa các “ông lớn”
Chính quyền Kiev và quân ly khai vừa trải qua gần nửa năm đối đầu ác liệt với hàng ngàn người phải đổ máu. Thậm chí khi đàm phán tại Minsk đang diễn ra, lực lượng chính phủ và phiến quân vẫn đang giao tranh ác liệt tại TP cảng chiến lược Mariupol nhằm “chiếm càng nhiều đất càng tốt”. Nhưng dù quân chính phủ được phương Tây viện trợ hay quân ly khai có ai “chống lưng” viện trợ và người dân vô tội Ukraine nhận được ít nhiều sự cứu trợ từ Nga, Tổ chức Chữ thập đỏ Quốc tế… thì tất cả đều đã tổn thương nặng, thậm chí là mệt mỏi và kiệt sức.
Nhiều chuyên gia cho rằng thời gian qua Ukraine rơi vào “guồng quay” của các “ông lớn” mà chủ điểm là sự đối đầu “Đông-Tây” giữa Nga và các nước phương Tây. Nhiều người vẫn ví lần đối đầu này mang tính “căng thẳng tột độ” nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cuối thế kỷ 20.
Mở đầu là các cuộc đấu đá về kinh tế, đe dọa về khí đốt. Tiếp đến là sự can thiệp viện trợ của NATO và Mỹ với quân chính quyền Kiev với lý do “trả đũa” Nga viện trợ cho quân ly khai bất chấp một Moscow thận trọng và bác bỏ các cáo buộc một chiều từ phương Tây.
Trong khi Đông-Tây giằng co về mặt tư tưởng, ý thức hệ thì mọi gánh nặng về an ninh con người, khủng hoảng kinh tế đều đổ lên đầu quân chính phủ lẫn quân ly khai, suy cho cùng là người dân Ukraine nói chung. Quyết định ngừng bắn lần này, đối với cả giới lãnh đạo Ukraine và quân ly khai, cũng như với người dân Ukraine đều có lợi về mặt sức lực lẫn tinh thần. Tuy nhiên, về lâu dài liệu Nga và phương Tây vẫn tiếp tục “ám ảnh” đến họ?
Đàm phán Minsk đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine nhưng đối đầu Đông-Tây vẫn sẽ còn tạo ra những “biến cố” mới tại Ukraine? Trong ảnh: Đàm phán tại Minsk ngày 28-8 giữa Nga và Ukraine với sự điều phối trung gian của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: CE EINSIGHT
Tổng thống Putin nắm hết chủ bài
Dù kết quả tại Minsk mở ra một giai đoạn mới để Ukraine giải quyết mâu thuẫn bằng đàm phán nhưng mũi tên trên chiếc nỏ của phương Tây dường như vẫn chưa được hạ xuống đối với chính quyền Putin.
Đề xuất kế hoạch bảy điểm của ông Putin được nhiều người tán thưởng nhưng Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen phát biểu trên BBC rằng kế hoạch hòa bình của ông Putin là thiếu thành thật. “Tôi nghĩ rằng điểm mấu chốt là người Nga không có thiện chí, không quan tâm đến vấn đề ngừng bắn. Họ muốn tiếp tục gây bất ổn tại Ukraine” - vị này khẳng định trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO.
Thậm chí ngay sau khi Minsk kết thúc với kết quả ngừng bắn, nhiều chuyên gia phương Tây vẫn tin rằng “Nga đã giở trò” dàn xếp phía sau. Cây bút Jim Maceda (Mỹ) vừa có bài bình luận “Ukraine ngừng bắn: Putin nắm giữ tất cả lá bài” vào hôm qua (6-9). Jim Maceda nghi ngờ rằng các đại diện đến từ chính phủ Ukraine bước vào cuộc đối thoại tại Minsk với một con dao kề trên cổ vì trước đó vài ngày, phiến quân ly khai nhờ vào hỏa lực rất mạnh từ Nga đã đánh tan tác quân đội chính phủ. Thêm vào đó, “sau hơn năm tháng đánh nhau để lại hậu quả ít nhất 2.600 người chết (thống kê của Liên Hiệp Quốc) thì thỏa hiệp ngừng bắn là một sự ưu ái cho các nhà cầm quyền Kiev” - Jim Maceda nói.
Nhiều chuyên gia phương Tây đưa ra dự báo “sự lấn áp của người Nga sẽ bắt đầu sau thỏa thuận ngừng bắn”. Kế hoạch hòa bình của Putin nhìn chung rất toàn diện như trao đổi tù binh; tạo hành lang nhân đạo cho hoạt động viện trợ tại các vùng chiến sự; xây dựng lại cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, kế hoạch này không đề cập đến những thỏa thuận của Nga đối với tương lai nền chính trị của Ukraine. |
Các chuyên gia nói với NBC News rằng để đổi lại nền hòa bình vĩnh viễn cho Ukraine, ông Putin đã có hai điều kiện với chính sách của Ukraine: 1. Cam kết không bao giờ gia nhập NATO - cơn ác mộng của Putin; và 2. Đảm bảo quyền tự chủ và sự kiểm soát hiệu quả của quân ly khai trên các vùng đất của họ, song song với quyền kiểm soát của chính quyền Kiev. Phương Tây cho rằng “Putin không cần một vùng đất tại Ukraine nhưng cái chính là Moscow cần sự ủng hộ của đa số người dân Ukraine trên các vùng đất tự trị”.
Mối nghi ngại về “nước Nga mới” khiến Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục các lệnh cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Moscow sau khi cuộc gặp gỡ tại Minsk đi đến thỏa thuận ngừng bắn. Thậm chí Liên minh châu Âu (EU) vừa đồng ý về một gói trừng phạt kinh tế mới chống lại Nga. AFP đưa tin lần trừng phạt này sẽ thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt mà EU công bố vào tháng 7 vừa qua, nhắm đến nhiều cá nhân hơn nữa với các lệnh cấm đi lại, phong tỏa tài sản, cũng như thắt chặt các con đường tiếp cận với thị trường vốn của các công ty dầu khí và quốc phòng Nga.
Cái lý của người Nga
Trong lúc báo chí và quan chức phương Tây “bênh” Kiev và cáo buộc “tội trạng” một chiều cho Nga xâm phạm Ukraine và “núp bóng” quân ly khai để “ném đá” chính quyền Kiev thì phải thừa nhận ông Putin đã rất thận trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng Nga còn “thiết thực” hơn nhiều nước phương Tây khi Moscow góp phần không nhỏ vào công tác viện trợ nhân đạo và đàm phán tiến trình ngừng bắn lần này tại Ukraine. Phát biểu trên truyền hình Nga hôm 1-9, Tổng thống Nga Putin còn trách các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhắm mắt làm ngơ trước hậu quả do chiến dịch quân sự của quân đội Ukraine gây ra đối với dân thường.
Chính Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 3-9, đã ủng hộ mong muốn thực hiện kế hoạch hòa bình bảy điểm tại miền Đông Nam do ông Putin đề xuất. Và đúng như mong muốn của Petr Poroshenko, kế hoạch hòa bình bảy điểm đã “linh nghiệm” tại cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc (gồm các đại diện của Ukraine, Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) ở Minsk.
Điều quan trọng nhất là trong suốt những tháng khủng hoảng kéo dài vừa qua, người Nga vẫn đang “có lý” trước cộng đồng quốc tế bất chấp những nghi ngờ, cáo buộc từ Kiev, Mỹ và phương Tây.
“Có lý” là bởi suốt những tháng qua, cao điểm là vụ rơi máy bay MH17, các xe cứu trợ của Nga và quân tình nguyện Nga đến đất Ukraine, các cuộc giao tranh bằng vũ khí hạng nặng của quân ly khai với quân chính phủ… thì Mỹ, phương Tây, Kiev đều chỉ đưa ra các cáo buộc một chiều, chưa thuyết phục. Thậm chí Moscow ví các lời cáo buộc phương Tây là “trò hề” và ví von “bằng chứng” mà phương Tây buộc tội Nga xâm phạm Ukraine và cung cấp vũ khí cho phiến quân chỉ là những… mô hình đồ chơi.
Nhận định về vấn đề này, Philippe Migault (Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược, Pháp) lý giải “Không có gì chứng minh quân đội Nga hiện diện ở Ukraine”. Theo Philippe Migault, chưa thể cho rằng Nga xâm lược Ukraine dù giả sử trên thực tế cố vấn Nga, lực lượng tình nguyện Nga và vũ khí Nga xuất hiện ở miền Đông Ukraine. NATO dù cho rằng tối thiểu có 1.000 quân Nga ở Ukraine nhưng không có bằng chứng trong khi Tổng thống Putin liên tục khẳng định Nga không tham chiến ở Ukraine.
Mới đây, khi quân đội Kiev bị quân ly khai phản công tại miền Đông Ukraine thì quan hệ Nga-Ukraine tiếp tục leo thang khi cáo buộc từ phương Tây cho rằng “kẻ giật dây” phía sau quân ly khai chính là Moscow. “Cái lý” của Putin được chính ông khẳng định nếu muốn ông đã có thể chiếm được Kiev chỉ trong “hai tuần”. Đồng thời cảnh báo phương Tây đừng đùa với sức mạnh hạt nhân của người Nga như thông điệp mà Tổng thống Putin đưa ra hôm 29-8: “Chúng tôi luôn sẵn sàng để đáp trả và đẩy lùi bất kỳ cuộc xâm lược nào nhắm vào Nga. Các đối tác của Nga nên hiểu rằng tốt nhất đừng chọc phá chúng tôi”.
Trong bối cảnh mọi bằng chứng dường như không ủng hộ cáo buộc của phương Tây thì “cái lý” của Nga còn thể hiện ở thị trường năng lượng, khi mùa đông tới người Nga vẫn nắm giữ “an nguy” của nhiều người dân châu Âu.
ĐẠI THẮNG