Bác Ba Phi: Tài hoa và đào hoa (kỳ 2)

Chị Nguyễn Thị Lệ bên bàn thờ ông nội - Ảnh: V.TR.
Chị Nguyễn Thị Lệ bên bàn thờ ông nội - Ảnh: V.TR.

Đẹp trai và đa tài

Chỉ tay vào bức vẽ chân dung khá to đặt trên bàn thờ, bà Nguyễn Thị Anh (con dâu ông Ba Phi) nói đó là hình ông Ba Phi hồi khoảng 60 tuổi.

Bức họa vẽ tóc ông đã hoa râm, bị hói ngay giữa đầu, da mặt đã đầy nếp nhăn... nhưng theo bà Anh lúc đó ông Ba Phi vẫn còn khỏe như thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Cứ vài ba ngày ông lại dắt bầy chó săn vào rừng săn bắt. “Đi săn được heo rừng nặng từ vài chục tới cả trăm ký là bình thường. Nhiều lúc ba chồng tui tự vác heo rừng săn được về nhà luôn hà” - bà Anh kể.

Còn trong trí nhớ của con cháu, ông Ba Phi là một người đàn ông đẹp trai, vạm vỡ và có sức mạnh hơn người. Ngày nào ông cũng luyện võ. Lâu lâu ông lại bỏ nhà cả tháng trời để đi tỉ thí võ đài ở các nơi. Những lúc trăng sáng hay có hội hè, đám tiệc ông trở thành một nhạc công với ngón đờn cò như “rót mật vào tai” và giọng ca tài tử có thể làm xao lòng những cô gái trẻ.

Một trong những người thường theo ông Ba Phi đi săn là ông Nguyễn Tấn Lực. Ông Lực là cháu nội của người em Sáu Đống nên gọi ông Ba Phi là ông bác. Ông Lực kể rằng trong rừng U Minh có rất nhiều heo rừng, nai. Còn rùa, cá lóc, cá trê, cá rô to tướng thì nhiều vô số kể. Ông Ba Phi có nuôi một bầy chó săn chừng 20 con và chia ra làm hai, một bầy để ở nhà, một bầy để bên nhà ông Sáu Đống để ông phụ chăm sóc.

Mỗi lần đi săn, tùy ý định của ông Ba Phi muốn săn con gì, cần bao nhiêu thịt sẽ dắt 5-7 con chó săn hay xua hết cả bầy theo. Ông chỉ vác mỗi cây giáo có mũi làm bằng thép dùng để kết liễu con mồi. Khi ông phát hiện con vật gì trong rừng thì xua bầy chó truy đuổi, gần như không có con nào thoát được.

Ông Lực vén ống quần cho chúng tôi xem mấy vết sẹo trên đùi trái và nói: “Đây là tác phẩm của mấy con chó săn của ông bác tui đó. Mấy chục năm rồi vẫn còn y nguyên. Tui không nhớ lúc đó đang lui cui làm gì gần chỗ mấy con chó. Tụi nó tranh nhau khúc xương và cắn nhầm vào đùi tui, máu me đầm đìa luôn”.

Ông Lực kể rằng ông Ba Phi rất giỏi trong việc “điều binh khiển tướng” bầy chó săn. Với những con heo rừng nặng hơn 100kg chúng sẽ rất khỏe, cho dù có đâm mấy giáo cũng chưa chắc bắt được. Khi bầy chó săn xuất trận thì hoàn toàn có thể xé con heo rừng thành trăm mảnh. Thế nhưng tất cả những con heo, nai mà ông Ba Phi săn được đều lành lặn, rất ít thương tích. Lý do là ông Ba Phi dạy bầy chó săn chỉ làm con mồi bị thương rồi vờn cho đến khi nó mệt đừ không chạy nổi nữa ông sẽ ra tay kết liễu con vật rồi vác về.

Thú rừng là món ăn thường ngày của gia đình ông Ba Phi. Nếu để làm thức ăn thì ông chỉ săn 1-2 con heo rừng hoặc nai rồi gọi những người trong xóm tới cùng nhau xẻ thịt, sau đó chia cho mỗi người một ít. Còn những khi có đám giỗ, thôi nôi, đầy tháng... ông dẫn con cháu đi cả ngày rồi khiêng về 5-7 con heo, nai.

Khi chúng tôi hỏi chuyện cá mắm ở vùng này thời đó có nhiều giống trong những câu chuyện kể của ông Ba Phi hay không, ông Lực cười lớn: “Cá, rùa nhiều lắm. Tui dẫn chứng một lần tui với ông bác chèo xuồng vô rừng đặt lọp bắt rùa, đến khi kéo lên thì trong lọp có ba bốn chục con bò lổn nhổn. Ông bác tui phải lựa bắt con lớn hơn bàn tay, chứ mấy con nhỏ hơn bàn tay ông thả xuống hết. Các chuyện kể của ông bác tui về sản vật ở rừng U Minh là dựa vào những gì có thật trong thực tế rồi phóng đại lên chút đỉnh nữa cho vui. Bản tính ông bác tui hài hước, dí dỏm mà”.

Khu mộ của ông Ba Phi và hai người vợ Trần Thị Lữ, Lữ Thị Cham - Ảnh: V.TR.
Khu mộ của ông Ba Phi và hai người vợ Trần Thị Lữ, Lữ Thị Cham - Ảnh: V.TR.

Cưới được vợ đẹp nhờ giỏi võ

Thế hệ con cháu ông Ba Phi sau này phải thừa nhận ông là sư phụ trong chuyện tình duyên. Ngoại trừ bà vợ cả Trần Thị Lữ (do ông hương quản Tế chủ động gả cho chứ ông không hề biết mặt trước), hai bà vợ sau của ông Ba Phi đều thuộc hàng tuyệt sắc giai nhân.

Cả hai người đều gặp ông trong hoàn cảnh giống nhau: đi xem tỉ thí võ đài. Lúc đó ông Ba Phi là một võ sĩ tham gia tỉ thí và luôn không có đối thủ.

Năm 1930, ông Ba Phi bỏ nhà đi ngao du thiên hạ. Khi tham gia tỉ thí võ đài tại Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) ông đã bị trúng tiếng sét ái tình với một người con gái xinh đẹp tên Lê Thị Lượng. Kết quả mối tình này là bà sinh cho ông người con trai duy nhất tên Nguyễn Tứ Hải. Đây là người vợ thứ hai của ông Ba Phi, sau bà Trần Thị Lữ. 

Và cũng trong một lần đi tỉ thí võ đài ở xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vào năm 1937, ông Ba Phi lại phải lòng một cô gái xinh đẹp người Khmer tên Lữ Thị Cham, mới 17 tuổi.

Mặc dù lúc này ông Ba Phi đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn muốn cưới thêm vợ. Cô Cham lại cũng đem lòng yêu mến người đàn ông đáng tuổi cha mình vì ngưỡng mộ võ nghệ cao cường của ông. Sau khi trở về nhà, ông Ba Phi như người mất hồn, cứ ra ngẩn vào ngơ. Ông biết nếu cưới vợ chênh lệch tuổi nhiều như thế thì không thể tránh khỏi miệng đời gièm pha. Nhưng vì quá thương cô gái người Khmer này nên ông bảo vợ cả là bà Lữ mang trầu cau hỏi cưới cô Cham cho mình. Mặc dù không muốn nhưng bà Lữ không dám phản đối, không dám làm trái ý chồng.

Theo lời kể của con cháu ông Ba Phi, bà Cham cao lớn và rất xinh đẹp giống như bà vợ thứ hai của ông. Sau khi cưới xong, ông Ba Phi đưa bà Cham về sống chung nhà với bà Lữ.

Theo bà Anh kể lại, mối quan hệ giữa bà Lữ và bà Cham chỉ bình thường, yên ổn khi có ông Ba Phi ở nhà. Còn những lúc ông đi vắng lâu ngày thì bà Lữ liền chứng tỏ uy quyền của vợ cả, lấn lướt bà Cham.

Người đời thường nói “hồng nhan bạc phận”. Điều này lại đúng với người phụ nữ đẹp người đẹp nết như bà Cham. Về nhà chồng được bảy năm, sinh cho ông Ba Phi được hai người con thì bà Cham qua đời ngày 1-3-1944 sau một cơn bạo bệnh. Năm đó bà chỉ mới 24 tuổi. Chuyện này khiến ông Ba Phi đau buồn rất lâu và quyết định không cưới thêm người vợ nào nữa.

Không kể chuyện tiếu lâm kháng chiến

Trong nhiều quyển sách truyện tiếu lâm bác Ba Phi mà chúng ta đọc được có các truyện như: Trăn đánh giặc, Khỉ nhận giấy khen, Diệt tàu, Chém trực thăng, Ong đánh giặc, Pháo lung tràm, Vỏ quýt dày móng tay nhọn... là những truyện kể về đề tài kháng chiến.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, bác Ba Phi chưa bao giờ kể chuyện tiếu lâm có liên quan đến đề tài này. Ông chỉ kể chuyện chim chóc, cá mắm, cọp, heo, nai ở rừng U Minh. Những chuyện đề tài kháng chiến là do bộ đội nghĩ ra rồi kể cho nhau nghe để thư giãn trong lúc hành quân hoặc nghỉ ngơi. Cũng có nhiều truyện do người dân ở U Minh đặt ra rồi gắn mác “bác Ba Phi” vào nên trong quá trình truyền khẩu đã trở thành truyện bác Ba Phi.

____________________

Ông Ba Phi có ba vợ. Nhưng trong khu mộ ông chỉ có bà Lữ và bà Cham. Còn bà vợ kia đâu?

Kỳ tới: Đi tìm bà vợ thứ hai

Theo VÂN TRƯỜNG (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm