Tối 17-12, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM) đã phối hợp cùng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức buổi triển lãm và biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương.
Ban tổ chức cắt băng khánh thành triển lãm. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Tại đây, trên 50 đạo cụ, phục trang, hoạt cảnh… cùng hơn 100 bức tranh chân dung các nghệ sĩ cải lương đã được trưng bày. Những đạo cụ, phục trang này được mang về từ các đoàn hát, gia đình nghệ sĩ, trong đó không ít đạo cụ đã từng sử dụng trong các vở tuồng vang danh như phụng bào của thái hậu Dương Vân Nga, áo mão của Kim Trọng - Thúy Kiều trong vở Kim Vân Kiều (vở cải lương đầu tiên ra mắt tại miền Nam).
Một số ảnh chân dung các nghệ sĩ bằng chất liệu sơn mài. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Nhiều khách tham quan không khỏi xúc động khi được thấy lại những bộ trang phục gắn liền với vở cải lương mình yêu thích. “Hồi trước tôi thích coi vở thái hậu Dương Vân Nga. Mà lúc đó vô tuyến trắng đen nên không biết quần áo màu ra sao, giờ tận mắt được thấy quả là đẹp, lộng lẫy quá”, bà Lý Thị Ái (85 tuổi) chia sẻ.
Áo mão của Kim Trọng-Thúy Kiều trong vở diễn Kim Vân Kiều - vở cải lương đầu tiên ra mắt tại miền Nam. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Cạnh đó, triển lãm còn có chương trình biểu diễn ca ra bộ, trích đoạn cải lương được diễn ra xen kẽ. Qua đó khách tham gia được tìm hiểu nhiều hơn về hậu trường sân khấu cải lương, cách mà các nghệ sĩ tập tuồng, hô lệnh, hiệu ứng sân khấu…
“Thời gian trước không các hoạt động kỷ niệm rộng rãi, người dân cũng ít biết về nghệ thuật cải lương. Nhưng tôi tin rằng qua các hoạt động này, khán giả mộ điệu sẽ dần quay lại với cải lương”, Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ mong mỏi.
Một hoạt cảnh trong hát ca ra bộ. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày 18 và 19-12 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM).