Ngắm sinh viên nước ngoài duyên dáng trong tà áo dài Việt Nam

Sáng 20-12. PGS-TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết khoa được thành lập từ năm 1998 nhưng tiền thân 28 năm trước là tổ tiếng Việt cho người nước ngoài. Lúc đó sinh viên của khoa chủ yếu là sinh viên Campuchia thuộc khoa Ngữ văn.

Đến năm 1990, tổ tách ra thành bộ môn Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam thuộc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á, thuộc Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM hiện nay). Đến năm 1998, khoa chính thức được thành lập theo quyết định của Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM do PGS-TS Nguyễn Văn Lịch làm trưởng khoa.

Sinh viên khoa Việt Nam học duyên dáng trong tà áo dài. Ảnh: PA

Sau 20 năm, khoa không chỉ lớn mạnh về đội ngũ mà còn trở thành nơi thu hút và giảng dạy về tiếng Việt cho người nước ngoài lớn nhất cả nước. Hiện khoa có 28 giảng viên cơ hữu, trong đó có hai PGS-TS, 15 tiến sĩ, tám thạc sĩ đang là nghiên cứu sinh trong và ngoài nước cùng hàng chục giảng viên hợp đồng, thỉnh giảng.

Những snh viên nước ngoài tươi tắn, xinh đẹp trong tà áo dài Việt Nam. Ảnh: PA

Mỗi năm khoa có hàng ngàn lượt học viên theo học các lớp ngắn hạn, riêng năm 2018 có khoảng 5.800 lượt học viên. Từ năm 2018 đến nay, khoa đã đào tạo được 29.418 người theo học các lớp đào tạo tiếng Việt ngắn hạn, đứng đầu các cơ sở đào tạo tiếng Việt toàn quốc. Hầu hết học viên theo học và nghiên cứu tại khoa đều là người nước ngoài, từ 95 nước - vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp...

Các sinh viên tự tin trình diễn trang phục áo dài. Ảnh: PA

Về đào tạo chính quy Việt Nam học, đến nay khoa đã đào tạo được 19 khóa với 271 sinh viên tốt nghiệp, đều là sinh viên nước ngoài. Hiện số sinh viên đang theo học là 280 người. Được biết từ năm học 2009-2010 đến nay, khoa đã đào tạo được chín khóa cao học với 98 học viên. Ngoài ra mỗi năm khoa đều tổ chức các khóa "Trải nghiệm văn hóa Việt Nam", tổ chức thi và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt quốc tế cho người học, bồi dưỡng giảng dạy...

Sinh viên đã trình diễn những tiết mục nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: PA

Tại buổi lễ, chính các sinh viên đã trình diễn những tiết mục nghệ thuật thú vị, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như biểu diễn đánh trống đồng, trình diễn áo dài... PGS-TS Lê Hữu Phước, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cũng như đóng góp của khoa Việt Nam học vào sự phát triển của nhà trường suốt 20 năm qua. PGS Phước mong muốn khoa sẽ tục lớn mạnh và nỗ lực hơn nữa để ngày một nâng cao chất lượng giảng dạy, nâng tầm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm