Ngăn chặn người có biểu hiện ‘chạy chọt’ vào bộ máy

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 13-8 đã chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư về tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Kết luận cuộc họp, do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký, được công bố chiều 16-8.

Có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm

Theo kết luận này, Ban Bí thư cho biết phản ánh từ một số cấp ủy, tổ chức đảng và thực tiễn công tác cán bộ những nhiệm kỳ vừa qua cho thấy cứ chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ...

Những người cũ đủ điều kiện tái cử, nhất là người đứng đầu cấp ủy có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận. Họ thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân. Vì vậy dẫn tới trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung.

Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế. Hoặc trường hợp ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền...

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những tồn tại, hạn chế yếu kém trên, góp phần chuẩn bị thật tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Đồng thời chuẩn bị thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5 và bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Không đề xuất người dính tới tham nhũng, lãng phí

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín...; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền. Những người dính tới tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau”; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, “dĩ hòa vi quý”... và những biểu hiện khác được nêu trong Chỉ thị số 35 cũng được liệt vào yêu cầu trên.

Ban Bí thư cũng yêu cầu trong công tác cán bộ phải tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền. Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ làm công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ. Cùng đó, công tác này phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; đề cao trách nhiệm cá nhân trong thảo luận và quyết định theo đa số.

Đối với những việc khó, phức tạp, nhạy cảm hoặc ở những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết thì càng phải giữ vững nguyên tắc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện nghiêm quy chế, quy định.

Ban Bí thư cũng giao Tiểu ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ các cấp tiến hành rà soát, thẩm tra, thẩm định, kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ thuộc thẩm quyền; đề xuất cụ thể mức độ sử dụng, bố trí để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng Quy định số 126QĐ/TW ngày 28-2-2018 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng ở trung ương và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo quy định hiện hành và kết luận này; kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả thực hiện và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm