Cụ thể, đối với khách hàng là chủ đơn vị bán hàng trực tuyến, đối tượng sẽ giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến cho người thân. Sau đó, đối tượng yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ chuyển tiền (Moneygram, Western union...) rồi gửi cho người bán tin nhắn có link truy cập vào webiste giả mạo.
Khi chủ cửa hàng truy cập vào sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật ngân hàng điện tử, đối tượng sẽ lợi dụng rồi thực hiện giao dịch gian lận.
Với khách hàng đang sử dụng ví điện tử như Zalo, MoMo, Payoo... đăng tải câu hỏi lên website, fanpage của nhà cung cấp, đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ để liên hệ khách hàng và hỏi về vướng mắc khi sử dụng.
Sau đó, đối tượng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như là một bước yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng thông tin này thực hiện giao dịch gian lận.
Ngân hàng cảnh báo một trong những thủ đoạn lấy cắp thông tin của kẻ lừa đảo. Ảnh: TP
Một thủ đoạn lừa đảo khác là với khách hàng có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến, đối tượng giả mạo là người cho vay trực tuyến, yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử rồi lợi dụng các thông tin này để thực hiện giao dịch gian lận.
Hay đối tượng lừa đảo sẽ giả mạo thông báo tài khoản E-Banking của khách hàng bị xâm nhập trái phép hoặc sắp hết hiệu lực và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để xác nhận lại thông qua đường link giả mạo.
Hoặc kẻ gian giả mạo màn hình ứng dụng, màn hình đăng nhập có giao diện tương tự website thật bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng, trong đó chứa đường link giả mạo nhằm lừa khách hàng đăng nhập, từ đó chiếm đoạt các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ.