Ngân hàng có trên 6 triệu tỉ đồng nhưng doanh nghiệp đói vốn

(PLO)-  Đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, nhưng đến nay hiệu quả của những chính sách còn hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-7, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” dưới sự chủ trì của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Không có tài sản đảm bảo, khó vay vốn

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: “Tín dụng nền kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước, đạt khoảng 12,5 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Điều này phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan với nhiều yếu tố chi phối”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ quan điểm: Hiện, số tiền huy động tại hệ thống ngân hàng có trên 6 triệu tỉ đồng.

"Điều đó cho thấy đồng tiền của cư dân và tổ chức kinh tế không biết đầu tư vào đâu và kể cả lãi suất huy động có thấp nữa thì tiền gửi ngân hàng vẫn tăng", ông nói.

Nói về khó khăn của doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm. Dệt may cũng không nằm ngoài vòng xoáy này, khi đã trải qua nửa đầu năm 2023 với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay cần giảm sâu thêm

Doanh nghiệp mong lãi suất cho vay cần giảm sâu thêm

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% số lượng doanh nghiệp trong cả nước (doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 65%), tương đương khoảng gần 800.000 doanh nghiệp, đóng góp gần 40% cho GDP.

Về mặt lý thuyết, chúng ta đánh giá lực lượng này rất mạnh mẽ cho nền kinh tế. Nhưng đây lại là đối tượng doanh nghiệp mà điều kiện vô cùng khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP HDC cho biết: Chúng tôi có 2 mảng hoạt động là xuất nhập khẩu thuỷ sản và phân phối trong nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, đối với mảng xuất khẩu thực sự khó khăn, đơn hàng giảm 25-27% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là thiếu nguồn vốn.

Để có thêm nguồn lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, chúng tôi đã tiếp cận với 3 ngân hàng và được phê duyệt tổng hạn mức tín dụng là 80 tỉ đồng. Song thực tế, hiện cả 3 ngân hàng mới chỉ giải ngân cho chúng tôi khoảng 10 tỉ đồng theo hình thức tín chấp- thấp hơn rất nhiều so với hạn mức được cấp. Nếu muốn được giải ngân thêm, thì phải có tài sản thế chấp. Đây là điều kiện vô cùng khó với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bù lại, chúng tôi có dòng tiền tốt và trong 4 năm gần đây các đối tác khách hàng của chúng tôi có dòng tiền thanh toán hàng hoá chưa khi nào chậm quá 5 ngày. Hiện cũng có ngân hàng chấp nhận cho chúng tôi vay tín chấp dựa trên các khoản phải thu nhưng họ chỉ áp dụng chính sách này với một khách hàng duy nhất, trong khi đó tập khách hàng lớn lên tới khoảng 50 doanh nghiệp.

"Điều này làm giảm đi năng lực bán hàng của doanh nghiệp và trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi là mới chỉ thu xếp được vốn để sản xuất cho 35% đơn hàng cung cấp cho thị trường trong nước", ông Huân nói.

Muốn mở rộng tín dụng nhưng vô cùng khó khăn

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh tế đều đang đối mặt với tình trạng đơn hàng sụt giảm, cầu sản xuất lẫn cầu tiêu dùng đều giảm kéo theo cầu tín dụng giảm. Trong bối cảnh như vậy, 6 tháng đầu năm số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Còn ở phía ngân hàng thì ngân hàng nào chẳng muốn cho vay bởi lợi nhuận để nuôi sống ngành ngân hàng chủ yếu là hoạt động tín dụng. Nhưng không thể vì muốn đẩy mạnh tín dụng mà cho vay dưới chuẩn được. Chính vì vậy, các ngân hàng hiện nay muốn mở rộng tín dụng cũng vô cùng khó khăn bởi việc tìm kiếm được khách hàng tốt trong thời điểm này là không hề dễ dàng.

“Nói về giải pháp để doanh nghiệp khi đi vay vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp thì cần phải tháo gỡ một loạt chính sách như quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách này đã đưa vào thực tế từ rất lâu nhưng đến nay gần như không phát huy hiệu quả. Ngoài ra, nếu Chính phủ muốn đẩy mạnh tín dụng ra thì Chính phủ cần phải sửa đổi quy định cho vay”, bà Mùi nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ cầu tín dụng phát triển tốt hơn cũng như đưa ra những biện pháp bền vững nhằm đưa mức độ nguồn vốn tín dụng tăng trưởng trở lại, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ KHĐT) cho biết: Hiện tại, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đang kết hợp với ngân hàng thương mại cho theo hình thức uỷ thác nhưng hình thức này vẫn chưa phổ biến nhiều đến các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang sửa đổi, cải tiến mô hình của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy nguồn vốn ưu đãi tới nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Ngoài xây dựng các chính sách, chúng tôi triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp như đào tạo nâng cao năng lực quản trị tài chính và quản trị dòng tiền, tư vấn 1-1 cho doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp vay vốn thành công tại các ngân hàng, xây dựng bộ công cụ để doanh nghiệp tự đánh giá khả năng tiếp cận vốn của mình đến đâu, khả năng tái cấu trúc nợ của mình như thế nào”, bà Hương nói.

Liên quan đến việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không hề nhỏ, khoảng 2 triệu tỉ đồng. Cần cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hoá thủ tục cho vay, vừa giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn vay và giảm chi phí đầu vào.

Thời gian tới, các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện việc giãn hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ mà doanh nghiệp đến hạn phải trả nhưng chưa trả nợ được vì những lý do khách quan của nền kinh tế…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm