Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4/2014 chiều 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức công bố về con số nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo ông Đào Quốc Tính, Phó chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN, tính đến cuối tháng 2/2014, nợ xấu toàn ngành chiếm 3,86% tổng dư nợ, tương đương 122.000 tỷ đồng.
Nhưng nếu tính toán một cách thận trọng, gộp cả các khoản nợ dưới chuẩn được cơ cấu lại theo Quyết định 780, Ngân hàng Nhà nước ước tính tỷ lệ nợ xấu chiếm 9,71% tổng dư nợ, tương đương 308.000 tỷ đồng. Trước đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng, nợ xấu Việt Nam ít nhất phải chiếm 15% tổng dư nợ.
Như vậy, số liệu về nợ xấu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố trùng hợp với số liệu của Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia công bố sáng 24/4. Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng bắt đầu giảm. Theo đó, nợ quá hạn đã giảm từ 11,3% trong năm 2012 xuống còn 8,8% trong năm 2013; nợ xấu cũng giảm tương ứng từ 4,2% xuống còn 3,6%. Nợ xấu theo thông lệ quốc tế cũng được kiểm soát và giảm xuống, dao động quanh mức 9 - 10%.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Trương Văn Phước, tổng tài sản ngân hàng năm 2013 tăng 15% và chất lượng tài sản được cải thiện. Do đó, “Ủy ban thấy mức nợ xấu 9% là có cơ sở và được áp dụng các chuẩn theo thông lệ quốc tế”, ông Phước nói.
Đề cập tới các khoản nợ mà các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý nợ (VAMC) cho biết: Hiện VAMC đã mua nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng, với số nợ xấu đã mua trên 45.000 tỷ đồng.
Với số nợ xấu đã mua này, VAMC đã phân loại được 37.680 tỷ đồng; trong đó, bán nợ, bán tài sản đảm bảo là 1.400 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ đối với khách hàng là 14.000 tỷ đồng...
Ông Hùng cũng cho hay, thời gian tới, VAMC tiếp tục phối hợp với các tổ chức tín dụng hình thành thị trường thứ cấp bán nợ. VAMC có thể được trao thêm quyền để xử lý nợ hiệu quả nhất, nhanh nhất trong bối cảnh VAMC bán nợ, tài sản đảm bảo cho cả các tổ chức nước ngoài.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2014, ngành ngân hàng đã triển khai các giải pháp đồng bộ để kiềm chế nợ xấu gia tăng, trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tiến hành đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12 - 14%, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Cũng theo số liệu do NHNN vừa cung cấp, tính đến ngày 22/4, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,62% so với cuối năm 2013. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Về lãi suất, sau khi giữ ổn định các mức lãi suất trong hơn 2 tháng đầu năm, từ ngày 18/3, mặt bằng lãi suất huy động VND đã giảm 0,5% - 1,5%/năm so với cuối năm 2013; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm.
Lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh giảm. Tính đến ngày 3/4, dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 5,5%/năm tổng dư nợ cho vay VND, giảm mạnh so với tỷ trọng 65,8% trước thời điểm 15/7/2012; dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 13%/năm chiếm 16,62% tổng dự nợ cho vay bằng VND, giảm so với tỷ trọng 31%/năm tháng 6/2013.