Ngân hàng số phát triển trong ‘vòng kim cô’

Chiều 7-10, diễn ra phiên Báo cáo chuyên đề Ngân hàng nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Future Banking & Financial Services Forum (Dịch vụ tài chính và ngân hàng tương lai 2021).

Hàng loạt ngân hàng tập trung phát triển dịch vụ số

Đánh giá tổng quan về Open Banking (ngân hàng mở), TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã cho rằng: Dự báo trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực ngân hàng tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Lĩnh vực tài chính ngân hàng đang được phát triển một cách năng động và đa dạng nhất. Các ngân hàng không ngần ngại đầu tư cho ngân hàng số.

Chuyển đổi số đang trở thành một xu thế không thể thay đổi với mọi lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Hơn thế, hoạt động này càng được đẩy nhanh trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: “Nếu như cách đây 2-3 năm, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khái niệm của các công nghệ này thì hiện nay những công nghệ này đã và đang mang lại những lợi ích về tự động hóa quy trình, nâng cao năng suất lao động, tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành cho các ngân hàng”

Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Vietinbank, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho hay: “Vài năm gần đây, dịch vụ ngân hàng số được phát triển mạnh mẽ.

Ngành ngân hàng có sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt khi mà rất nhiều công ty Fintech, công ty viễn thông cũng tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực tài chính. Chính nhờ sự cạnh tranh khốc liệt mà hầu hết các ngân hàng đều tập trung đẩy mạnh phát triển ứng dụng ngân hàng số.

Hiện nay, đã có nhiều ứng dụng ngân hàng số đáp ứng được nhu cầu giao dịch tài chính và phi tài chính của người dân. Điều này nó giúp cho dịch vụ ngân hàng lan toả đến nhiều khu vực là vùng sâu, vùng xa, đến những nơi mà ngân hàng chưa có phòng giao dịch hay chi nhánh để phục vụ trực tiếp. Việc này cũng giúp cho các nhà băng tiết kiệm rất nhiều chi phí, không cần mở rộng mạng lưới để có thu hút thêm khách hàng”.

Tương tự, ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng giám đốc VIB cho biết thêm: Hiện ở ngân hàng VIB, khi đầu tư mạnh vào ngân hàng số đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, chẳng hạn như số lượng khách hàng đăng ký dịch vụ số trong năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái là tăng 130%. Ngoài ra, 91% giao dịch ở 165 chi nhánh VIB với hàng nghìn nhân viên được thực hiện trên nền tảng số. Trong nhiều năm trở lại đây, cứ năm sau lượng giao dịch trên nền tảng số lại tăng gấp đôi so với năm trước”.

Các ngân hàng khuyến khích người dân các hình thức thanh toán khác qua ví điện tử, Mobile Banking.

Nhiều "dây xích" kéo lùi sự phát triển ngân hàng số

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: “Các ngân hàng thương mại đang vướng mắc nhiều điểm nghẽn trong việc cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thanh toán số và trải nghiệm khách hàng như hành lang pháp lý cho việc ứng dụng các nền tảng công nghệ mới như eKYC, ngân hàng đại lý (Agent Banking), cho vay online còn chưa ổn định. Thông tin dữ liệu khách hàng cấp vĩ mô đang chuẩn hóa, nhưng còn thiếu, ví dụ như dữ liệu về dân cư.

Cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác như Fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín, chưa thực sự mở. Tỷ lệ giao dịch offline, giao dịch tiền mặt, còn cao, đặc biệt tỷ lệ giao dịch tiền mặt ở khu vực nông thôn còn rất cao.

Nhiều hệ sinh thái được phát triển một cách tự phát và chưa có sự liên thông. Cơ chế thí điểm Sandbox cho việc thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng sau nhiều vòng lấy ý kiến của các cơ quan bộ ban ngành nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Đây là một trong những cơ chế rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tiên tiến của ngân hàng”.

Nhằm giúp các ngân hàng đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, phát triển tương xứng với tiềm năng, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia thống nhất, cho phép ngân hàng thương mại được khai thác, phục vụ quá trình cung cấp sản phẩm dịch vụ cho khách hàng.

Đồng quan điểm, ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết khi nào tháo gỡ được 3 điểm thắt quan trọng dưới đây thì mới có thể thúc đẩy ngân hàng số phát triển thực sự mạnh mẽ. Thứ nhất là hiện nay các ngân hàng vẫn chưa được tiếp cận với các dữ liệu định danh công dân quốc gia mà vẫn phải định danh khách hàng thông qua e-KYC.

Mặc dù ứng dụng công nghệ thông minh nhưng đâu đó vẫn có rủi ro chẳng hạn như CMND có thể bị làm giả, hoặc CMND cũ có chữ số rất mờ dẫn đến khó xác thực thông tin khách hàng một cách chính xác. Nếu có cơ chế cho phép ngân hàng được tích hợp với nguồn dữ liệu công dân quốc gia thì việc xác thực giấy tờ sẽ trở nên xác thực, chính xác hơn. Thứ hai là các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý về việc cho vay trực tuyến, nhất là đối với hoạt động cho vay tiêu dùng.

Thứ ba là về chữ ký điện tử. Mặc dù hiện nay NHNN đã có bước đột phá khi cho phép ngân hàng thương mại mở tài khoản từ xa bằng phương thức e-KYC. Tuy nhiên, để ký một hợp đồng điện tử thì lại cần chữ ký điện tử. Song theo qui định hiện hành, để có chữ ký điện tử thì khách hàng phải vẫn phải trực tiếp đến gặp nhà cung cấp đã được cấp phép xác minh chữ ký điện tử để tiến hành đăng ký.

Việc này vô hình trung tạo ra một điểm ngắt quãng trong chuỗi trải nghiệm online của khách hàng. Do đó, cần có giải pháp cho phép người dân đăng ký chữ ký điện tử và dùng chữ ký điện tử để ký hợp đồng điện tử từ xa mà không cần phải tốn thời gian đi lại”.

“Chỉ khi nào gỡ được 3 điểm vướng mắc này thì dịch vụ số của ngân hàng, công ty Fintech, công ty viễn thông mới có cơ hội phát triển mạnh hơn. Và mục tiêu sau cùng là làm sao để phục vụ người dân được tốt hơn - ông Lân nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm