Ngân hàng và ẩn họa mang tên địa ốc 'sân sau'

Dây mơ rễ má

Nhìn lại những tên tuổi đang nổi như cồn trên thị trường địa ốc, đều có “mối lương duyên” với một ngân hàng. Đơn cử như MIK với cam kết bảo trợ của VP Bank, tung hàng loạt dự án cao cấp với những chính sách đãi ngộ hấp dẫn như lãi suất vay 0% trong năm đầu.

Một tên tuổi khác là Thảo Điền, xuất hiện trên thị trường bất động sản ít lâu đã kịp vươn mình thành ông lớn với chuỗi dự án “khủng” mang tên Masteri. Đằng sau mỗi dự án của DN này đều có sự tham gia của Techcombank với vai trò là bên tài trợ vốn.

“Bạo chi” nhất vào DN địa ốc có lẽ là Vietinbank với hợp đồng cam kết tài trợ vốn lên đến 20.000 tỉ đồng cho Đất Xanh trong vòng năm năm.  

The Gold View, dự án của pháp nhân TNR Holding với đối tác tài chính là Maritime Bank.

Đặc biệt, thị trường tài chính và địa ốc đang “nóng” thông tin xung quanh Ngân hàng Maritime Bank và TNG Holding.

Pháp nhân TNG Holding của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có pháp nhân con TNR Holding phát triển các dự án Goldsilk Complex (quận Hà Đông, Hà Nội), Gold View (quận 4, TP.HCM) và Goldmark City với đối tác tài chính là Maritime Bank (ông Trần Anh Tuấn, chồng bà Hường, làm Chủ tịch HĐQT).

Lợi thì có lợi…

Thị trường địa ốc năm 2015 chứng kiến một "tai nạn" của hai tên tuổi P và Ngân hàng D với khoản nợ lên đến hơn 3 nghìn tỷ đồng. Thực chất, đây là khoản vay tích dồn từ nhiều năm trước. Khi doanh nghiệp địa ốc phát triển nóng và sa lầy với dự án quá hoành tráng.

Ngân hàng ở vào thế buộc phải “nuôi” con nợ để mong thu hồi nợ. Sự lụn bại của doanh nghiệp địa ốc kéo theo cơn bĩ cực của nhà băng với lệnh kiểm soát đặc biệt.

Trong đại án Phạm Công Danh và TrustBank đang là tâm điểm của dư luận, có điểm đáng chú ý là hàng ngàn tỉ đồng được bơm vào địa ốc kiểu “sân sau”. Nhìn lại những mối quan hệ “thân thiết” quá mức bình thường giữa ngân hàng và DN địa ốc, ý kiến các chuyên gia cho rằng đây là cuộc chơi đầy toan tính.

Trong đó có việc ngân hàng dùng DN “con cưng” để phát triển các dự án, đất đai thu hồi nợ. Số tài sản này cần được “trang điểm” lại để tạo giá trị bằng các dự án mà bên bơm vốn, chính là ngân hàng.

Có DN lớn còn khẳng định xây dựng chiến lược dựa trên đất đai, dự án phát mãi của ngân hàng thân thiết. Điều này dẫn đến việc thiếu minh bạch và làm gia tăng giá trị ảo của địa ốc.

“Thực tế nguy hiểm hơn là dòng vốn lớn của ngân hàng vẫn đang phụ thuộc vào địa ốc.Diễn biến tài chính thời gian qua cho thấy ngân hàng có vẻ như đang quay lại thời kỳ lướt sóng bất động sản” - chuyên gia Đinh Thế Hiển phân tích.

Đơn cử như việc hỗ trợ lãi suất 0% là sai nguyên tắc vì đây là thẩm quyền của chủ đầu tư. Chưa hết, nhiều ngân hàng đang xé rào, không tuân thủ nguyên tắc tài chính, cho vay 80%-90%.

Theo ông Hiển, nhiều ngân hàng đang lộ nợ xấu, chủ yếu là từ địa ốc. Tương tự như giai đoạn vỡ bong bóng bất động sản vào năm 2011, nhiều ngân hàng ôm trái đắng, thậm chí đổ vỡ.

“Việc tái cơ cấu dòng vốn đã được đặt ra từ thời điểm đó. Tuy nhiên, ít ngân hàng làm được vì “làm biếng” xây dựng kế hoạch dài hơi cho vay sản xuất kinh doanh mà vẫn đua nhau lao vào địa ốc. Điều này sẽ gây rủi ro cho chính ngân hàng” - ông Hiển nói.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, có một thực tế nguy hiểm kéo dài là ngân hàng luôn chạy đua xin tăng trưởng tín dụng. Đằng sau những mức tăng trưởng đó luôn là nợ xấu. Để sắp đặt lại trật tự, tránh rủi ro cả ngân hàng lẫn thị trường địa ốc, đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải xây dựng chuẩn an toàn tín dụng cao hơn để “siết” ngân hàng, không để các ngân hàng chạy đua tín dụng, ồ ạt “nhồi” tiền vào địa ốc như hiện tại.

Theo NGUYỄN TƯỜNG (Dân Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới