Ngành cao su vượt qua rào cản chuyển đổi kinh tế xanh

CAO SU PHÁT TRIỂN KINH TẾ TUẦN HOÀN - Bài 2

Ngành cao su vượt qua rào cản chuyển đổi kinh tế xanh

(PLO)- Áp lực chuyển đổi kinh tế xanh đang rất lớn với ngành cao su Việt Nam, một trong những ngành hàng đóng góp rất lớn trong việc đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của đất nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
st1-bai2-cao-su-kinh-te-xanh.png

Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, mục tiêu là đóng góp một phần cho mục tiêu chung Net Zero của Việt Nam.

Những nỗ lực này sẽ có tác động rất lớn cho ngành cao su vì hiện VRG có đến hàng chục công ty thành viên với quy mô hoạt động rộng khắp cả nước và cả nước ngoài, sở hữu diện tích cao su lớn nhất nước.

ngành cao su Việt Nam hướng tới sản xuất xanh

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc VRG cho biết: "Là doanh nghiệp có quy mô lớn, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, công ty đóng vai trò dẫn dắt cũng như đề cao trách nhiệm tăng trưởng xanh và phát triển bền vững để hướng đến 3 mục tiêu quan trọng gồm: Phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và khắt khe của khách hàng cũng như đáp ứng các chính sách chỉ thu mua cao su thiên nhiên từ các công ty cam kết đảm bảo tính bền vững trong toàn bộ chuỗi cung ứng."

cao-su-kinh-te-xanh1.png

VRG đặt mục tiêu rất cụ thể như đến năm 2030, tập đoàn có 60% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế VFCS, PEFC, FSC... và 100% nhà máy chế biến mủ cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Đến năm 2050, VRG có 100% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững quốc gia và quốc tế và 100% nhà máy sản xuất mủ, gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm.

Tổng công suất điện mặt trời áp mái toàn VRV tính đến hết năm 2022 là 10.112 kWp 1 pha, tương đương với việc giảm phát thải 10.321 tấn CO2/năm.

cao-su-kinh-te-xanh-bai2.png
st2-bai2-cao-su-kinh-te-xanh.png

Ngày nay, bên cạnh trách nhiệm với phát triển bền vững môi trường, để đạt được tăng trưởng xanh, doanh nghiệp cần quan tâm đến cộng đồng, chăm lo đời sống cho người lao động.

Các tổ chức quốc tế giám sát rất chặt chẽ vấn đề đảm bảo trách nhiệm xã hội, một tiêu chuẩn quan trọng để nhà sản xuất có thể đưa hàng hóa vào thị trường.

Các công ty cao su cũng nhận thức rất rõ điều này bởi nếu không đảm báo các yêu cầu ấy sẽ rất khó xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, thậm chí đánh mất cơ hội mở rộng thị trường, cạnh tranh với các công ty quốc tế khác.

ong-Hung-VRG-cao-su-kinh-te-xanh-bai2.png

“Chúng tôi luôn xác định có trách nhiệm giúp đỡ cộng đồng thông qua việc xây dựng ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) và là một cánh cửa dẫn đến tương lai công ty” - ông Hưng nhấn mạnh.

Điển hình, khi đầu tư trồng cao su ở các khu vực vùng cao phía Bắc, tập đoàn đã tạo công ăn việc làm và thu nhập tốt cho bà cao vùng cao. Tương tự khi đầu tư ở Lào và Campuchia, VRG đã đầu tư các công trình an sinh xã hội tại hai nước bạn đạt tổng giá trị khoảng 85 triệu USD.

cao-su-kinh-te-tuan-hoan-kinh-te-xanh

Hay Công ty cao su Đồng Nai cũng đã xây dựng những ngôi làng cho người lao động tại Hà Giang đến làm việc. Người lao động có được một môi trường làm việc an toàn, nhận được điều kiện làm việc công bằng, hòa nhập.

Nhiều công ty chủ động xây dựng các khu vực vui chơi giải trí để hỗ trợ người lao động. Chẳng hạn, Công ty cao su Dầu Tiếng xây dựng một công viên giải trí kết hợp với nhà hàng dành cho công nhân muốn tổ chức đám cưới, Công ty cao su Tân Biên vừa xây dựng khu vui chơi giải trí vừa hỗ trợ các bữa ăn sáng, ăn trưa và thực hiện chương trình bữa ăn tươi cuối tuần cho người lao động.

cao-su-xanh-kinh-te-tuan-hoan.JPG
cao-su-xuat-khau-kinh-te-xanh.jpg
Nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam cam kết thực hiện sản xuất theo định hướng kinh tế tuần hoàn và nâng cao hiệu suất tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG).

Tiến sĩ Seng Kiong Kok, Đại học RMIT Việt Nam cho biết ngành cao su Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường xuất khẩu toàn cầu, nơi chìa khóa thành công không chỉ được quyết định bởi giá cả và chất lượng sản phẩm mà còn bởi uy tín thương hiệu sản phẩm. Điều mà chỉ có được nhờ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.

Đây là một bước phát triển tích cực cho ngành khi mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp cao su Việt Nam cam kết thực hiện sản xuất theo định hướng kinh tế tuần hoàn và nâng cao hiệu suất tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp (ESG).

“Nỗ lực theo đuổi kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và ESG được thúc đẩy một phần bởi các chuỗi giá trị toàn cầu nhưng cũng có thể tạo tác động ở hạ nguồn đối với chuỗi cung ứng cao su địa phương tại Việt Nam.

cao-su-kinh-te-tuan-hoan-xanh.jpg
Thêm nhiều doanh nghiệp thực hành kinh tế tuần hoàn và ESG nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu, đề cao đạo đức kinh doanh của các sản phẩm “Made in Vietnam”.

Việc dần dần áp dụng các thông lệ kinh tế tuần hoàn và ESG sẽ không chỉ mang lại tính bền vững cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam mà về lâu dài còn cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành cao su Việt Nam nói chung” - Tiến sĩ Seng Kiong Kok nhận định.

st3-bai2-cao-su-kinh-te-xanh.png

Theo Tiến sĩ Seng Kiong Kok, trong giai đoạn đầu thực hiện kinh tế tuần hoàn và ESG, các công ty cao su có thể phải đối mặt với chi phí đầu tư cao hơn vào cơ sở hạ tầng xanh, công nghệ xanh, thu hút nhân tài và đào tạo kỹ thuật, đồng thời phải tuân thủ các quy chuẩn thương mại nghiêm ngặt của thị trường nhập khẩu (toàn cầu và khu vực).

Hơn nữa, có thể phải mất một quá trình lâu dài để các công ty cao su Việt Nam thuyết phục các nhà cung cấp hạ nguồn áp dụng sản xuất tuần hoàn có đạo đức và hình thành quan hệ hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan.

tien-si-Kok-cao-su-xanh-bai2.png

Còn theo ông Lê Thanh Hưng, đầu tư chiến lược xanh là một câu chuyện dài hơi và cần sự nỗ lực từ nhiều phía. Trong đó, lãnh đạo các đơn vị đóng vai trò chủ chốt, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống, xem đây là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện song song với phát triển sản xuất kinh doanh.

cao-su-kinh-te-xanh-bia-bai2.png

“Chúng tôi sẽ tăng cường và nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế, hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững nhằm đưa tập đoàn trở thành hình mẫu về tăng trưởng xanh, khẳng định vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy ngành cao su Việt Nam phát triển, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu” - ông Hưng nói.

chuen-gia-cao-su-xanh-b2.png
info-bai2-cao-su.jpg

Đọc thêm