Mủ cao su cốm Việt Nam được nhiều thị trường xuất khẩu đặt hàng. Ảnh: MINH PHƯƠNG

'Vàng trắng' lấy lại vị thế ngành hàng tỉ USD

(PLO)- Trải qua bao thăng trầm, cao su được mệnh danh là “vàng trắng” Việt Nam đang phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Sau một thời gian dài giá cao su có xu hướng giảm liên tục, ngành cao su đang bước vào một chu kỳ mới với xu hướng giá phục hồi trở lại bắt đầu từ năm 2021, giá cao su hiện trở lại ở mức khoảng 42 triệu đồng/tấn. Và sau 10 năm, xuất khẩu cao su đã quay lại mốc 3 tỉ USD trong năm 2021. Lũy kế chín tháng năm 2022, cao su đã xuất khẩu với giá trị hơn 2,3 tỉ USD.

Năm 2022: Lãi hàng ngàn tỉ từ “vàng trắng”

Đối diện với dịch bệnh COVID-19, đứt gãy chuỗi cung, các ảnh hưởng từ địa chính trị cũng như lạm phát tăng cao trên thế giới nhưng các công ty cao su vẫn có biên lợi nhuận rất tốt. Điển hình, nhờ giá mủ cao su tốt nên Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã có lợi nhuận lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý II-2022, VRG cho biết doanh thu đạt 5.558 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế là 1.068 tỉ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ. Cũng cần lưu ý do đặc thù của cao su, giai đoạn sáu tháng cuối năm mới là vụ thu hoạch chính nên lợi nhuận của VRG còn tiếp tục tăng mạnh.

Công nhân lấy mủ cao su. Ảnh: Q.HUY

Công nhân lấy mủ cao su. Ảnh: Q.HUY

Theo ban lãnh đạo VRG, mủ cao su sản xuất của tập đoàn hầu hết vào các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc và một phần rất ít là bán cho Trung Quốc. Giá mủ cao su đang bán với mức hơn 40 triệu đồng/tấn và biên lợi nhuận đạt 6-7 triệu đồng/tấn.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết nhờ kinh tế phục hồi dưới bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, giá cao su đảo chiều tăng trở lại, khách hàng liên tục đặt hàng và dòng tiền quay lại không chỉ giúp xóa khoản lỗ trước đó, thậm chí còn lãi nhiều hơn so với cùng kỳ.

Một ông lớn trong ngành cao su là Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú liên tục thiết lập doanh thu và lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Lũy kế nửa năm 2022, Đồng Phú đã đạt được doanh thu hơn 500 tỉ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 17 tỉ đồng.

Mủ cao su sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy. Ảnh: M.PHƯƠNG

Mủ cao su sau khi thu hoạch được đưa về nhà máy. Ảnh: M.PHƯƠNG

Ông Lưu Minh Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Cao su Đồng Phú, cho biết năm 2020 cực kỳ khó khăn do dịch bệnh nhưng rất may những khu vực trồng cao su nằm ở vùng sâu, vùng xa nên không bị tác động nhiều. Mặt khác, công nhân cao su thường làm việc ở một khu vực riêng biệt, khá rộng, không như các nhà máy tập trung cao người lao động nên duy trì hoạt động sản xuất tốt

Mủ cao su cốm Việt Nam được nhiều thị trường xuất khẩu đặt hàng. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Mủ cao su cốm Việt Nam được nhiều thị trường xuất khẩu đặt hàng. Ảnh: MINH PHƯƠNG

Và khi sản lượng sản xuất ổn định thì giá cao su đột nhiên tăng mạnh. Nếu đầu năm 2020, giá cao su chỉ 28 triệu đồng/tấn thì đến cuối năm tăng trở lại vượt mốc hơn 30 triệu đồng/tấn và hiện đã lên trên 40 triệu đồng/tấn. Theo ông Tuyến, mức giá trên 40 triệu đồng/tấn đủ để nông dân làm giàu và các công ty cao su có lời tốt

Chuyển đổi tăng nguồn thu bền vững

Ngành cao su tăng trưởng tốt trở lại, thế nhưng vẫn cần một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ để có sức bật trong tương lai. Nhiều công ty cao su đã thu được kết quả tích cực khi chuyển đổi một số diện tích trồng cao su hiện có sang xây dựng khu công nghiệp, giúp tăng lợi nhuận nhanh, bền vững và khá ổn định.

Lợi thế là các công ty cao su đang sở hữu diện tích đất lớn và các khu vực đắc địa để làm hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam làm nơi sản xuất, xây dựng chuỗi cung mới.

Thiếu hụt lao động cạo mủ

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, cho biết giá cao su đang rất tốt giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất là vẫn thiếu lao động cho việc khai thác mủ cao su. Với cao su, cạo mủ ở chế độ D3 (ba ngày cạo một lần) là hiệu quả nhất về năng suất nhưng do thiếu người nên phải chuyển sang chế độ D4, thậm chí D5.

Theo ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa, từ năm 2017 đến nay, số lượng công nhân khai thác trực tiếp ở vườn cây luôn thiếu hụt, ước tính mỗi năm thiếu 200-300 người. Công ty phải cho tiến hành chế độ cạo mủ D4. Ngoài ra, các vườn cây đến tuổi khai thác thì sẽ cho đấu thầu và khoán bên ngoài để bù đắp thiếu hụt lao động.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, công ty có kế hoạch chuyển đổi 15.000 ha trong diện tích gần 30.000 ha vùng trồng cao su cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu công nghiệp vào năm 2030. Hiện Cao su Dầu Tiếng cũng đang hợp tác với công ty hàng đầu về kinh doanh chuối bên Mỹ, toàn bộ sản phẩm đều xuất khẩu và đủ tiêu chuẩn bán tại các siêu thị Mỹ. Dù chỉ mới trồng thử nghiệm nhưng đã mang lại lãi 50-60 triệu đồng/ha.

“Chúng tôi sẽ dành 3.000 ha để triển khai nông nghiệp công nghệ cao. Và quan điểm khi đầu tư sang các mảng kinh doanh khác, chúng tôi không dự định làm mọi thứ, mà hợp tác liên doanh với những người giỏi nhất và phải có thị trường, có đầu ra sẵn. Cách làm này mới có hiệu quả và có lợi nhuận ngay” - ông Việt tiết lộ.

Không nằm ngoài cuộc chuyển đổi, Cao su Đồng Phú cũng đã hợp tác với một công ty trồng chuối công nghệ cao xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Lưu Minh Tuyến cho biết dù chỉ mới tham gia vào mảng này trong một thời gian ngắn nhưng thu nhập trên 30 triệu đồng/ha. Công ty đã trồng đến 300 ha chuối nhưng hàng bán không đủ. Và công ty đã dự định mở rộng lên 1.000 ha trồng chuối.

Theo ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT VRG, để đảm bảo tập đoàn tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tập đoàn đang xây dựng đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021-2025, theo hướng tiếp tục thoái vốn đối với các công ty không hiệu quả, không cần thiết nắm giữ kể cả công ty đang hoạt động hiệu quả. Thực hiện sáp nhập các công ty có quy mô nhỏ, cùng ngành nghề để tiết kiệm chi phí vận hành.

“Thực hiện thoái vốn, giảm vốn trong lĩnh vực cao su để tập trung nguồn lực cho phát triển các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su, các dự án chế biến gỗ là các lĩnh vực tập đoàn có lợi thế. Từ đó, đảm bảo cân đối về vốn đầu tư, nguồn thu giữa ba trụ cột là cao su - khu công nghiệp - chế biến gỗ” - ông Kha chia sẻ.

Lãnh đạo VRG cũng cho biết để thực hiện tăng doanh thu ổn định, biên lợi nhuận cao, tập đoàn sẽ chuyển đổi một phần diện tích cao su sang phát triển ngành sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao hơn. Đồng thời phát huy tối đa năng lực vườn cây cao su để bảo đảm hiệu quả, duy trì và nâng cao chất lượng các sản phẩm cao su, nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm.

TS TÔ XUÂN PHÚC, chuyên gia chính sách, tổ chức Forest Trends

TS TÔ XUÂN PHÚC, chuyên gia chính sách, tổ chức Forest Trends

Xây dựng thương hiệu và uy tín

Thời gian gần đây, một số công ty cao su nhà nước đã nỗ lực để tạo ra các diện tích cao su có chứng chỉ bền vững theo tiêu chí của Việt Nam (VFCS/PEFC). Các doanh nghiệp khác cũng đang cố gắng để xây dựng những diện tích có chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững FSC. Thế nhưng, đến nay các diện tích đã đạt chứng chỉ còn hạn chế, chưa đáp ứng với tiềm năng của ngành và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới.

Để làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức nhằm phát triển bền vững ngành cao su, về phía các doanh nghiệp cần xây dựng các mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân cao su tiểu điền. Từ đó tạo nguồn cao su bền vững, chinh phục được nhiều thị trường, góp phần xây dựng thương hiệu và uy tín cao su Việt Nam.

TS TÔ XUÂN PHÚC, chuyên gia chính sách, tổ chức Forest Trends

Ông TRẦN NGỌC THUẬN, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Ông TRẦN NGỌC THUẬN, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam.

Bảo hộ nhãn hiệu Cao su Việt Nam tại nhiều nước

Hiệp hội Cao su Việt Nam và Cục Xúc tiến thương mại vừa ký kết hợp tác phát triển thương hiệu ngành cao su Việt Nam. Hai bên ưu tiên phối hợp thực hiện đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, sản phẩm ngành cao su. Trong đó, phát triển thương hiệu ngành cao su thông qua nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam - Viet Nam Rubber” ở trong và ngoài nước, qua đó nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp ngành.

Tính đến năm 2022, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” được bảo hộ tại năm thị trường trọng điểm: Đài Loan, Ấn Độ, Lào, Trung Quốc, Campuchia. Trong nước, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Ông TRẦN NGỌC THUẬN, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam

Đọc thêm