Video: Cuối năm, đầu tư cổ phiếu nào để thu lợi? |
TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết năm 2022 đã đi được 2/3 chặng đường, đến nay hầu hết chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 32 của Quốc hội đều đạt kết quả tích cực, trong đó nổi bật nhất là tăng trưởng kinh tế.
Nếu như nửa đầu năm 2022, GDP Việt Nam đạt 7,7% thì dự báo quý III sẽ tăng trưởng 9%. Do đó, cả năm 2022 GDP Việt Nam có thể đạt mức trên 7%.
Thị trường chứng khoán những tháng cuối năm còn nhiều ẩn số. Ảnh: M.PHƯƠNG |
Triển vọng của cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng được giới phân tích đánh giá rất cao. |
Khả năng quay về mốc 1.400 điểm
“Vấn đề cần quan tâm hiện nay chính là lạm phát nhưng Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong việc kiểm soát lạm phát. Như năm 2008, giá dầu lên 140 USD/thùng, lúc đó lạm phát Việt Nam trên 20%. Năm nay, giá dầu cũng tăng tương đương nhưng lạm phát vẫn thấp. Điều này là do Chính phủ đã nhanh chóng giảm thuế, phí và ổn định tỉ giá” - ông Ngân phân tích.
Cùng nhận định, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán SSI đánh giá trái ngược với các lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế trên thế giới, các thông tin vĩ mô trong nước tiếp tục đưa ra gam màu tươi sáng. Dữ liệu kinh tế tháng 8 tích cực hơn kỳ vọng giúp mục tiêu tăng trưởng 7% GDP năm 2022 có thể dễ dàng đạt được. Bên cạnh đó là mục tiêu lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Hoạt động sản xuất sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ nhóm ngành xuất khẩu truyền thống trong khi tiêu dùng nội địa duy trì đà tích cực.
Với việc giá dầu thô toàn cầu vẫn chưa rõ xu hướng giảm, những công ty liên quan đến ngành này vẫn hết sức hấp dẫn vì mức tăng trưởng lợi nhuận cao.
Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán VPS, bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay khá khả quan. Trong giai đoạn vừa qua, thị trường đã tạo đáy hồi tháng 7 và đang hồi phục trở lại. Dòng tiền bắt đầu tự tin hơn trong việc giải ngân. Nhóm cổ phiếu cơ bản, nhóm cổ phiếu bluechips cũng đã có những khởi sắc.
“Tôi nghĩ rằng thị trường đang vào xu thế tăng trưởng và có khả năng quay về mốc 1.400 điểm trong giai đoạn cuối năm 2022” - ông Khánh cho biết.
TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp ĐH Bristol (Anh), đánh giá thị trường chứng khoán thường vận động theo chu kỳ kinh tế. Khi chu kỳ kinh tế đi đến một điểm nhất định sẽ tạo ra lạm phát. Khi lạm phát quá cao dẫn đến nhiều bất ổn về mặt vĩ mô cho các nước. Khi đó, các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất, rút tiền về gây ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền có thể đổ vào thị trường chứng khoán.
“Giới phân tích cũng đang so sánh giai đoạn hiện nay với chu kỳ cú sốc dầu hỏa dẫn đến lạm phát cao thập niên 1970 khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm đến 48%. Nếu so sánh giai đoạn này với thời kỳ đó, thị trường chứng khoán của Mỹ đã sụt giảm khoảng 30% và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giảm nhiều.
Tuy nhiên, có sự khác biệt là chu kỳ này có chính sách chủ động và lộ trình rõ ràng nên đối với nền kinh tế cú sốc này nhẹ hơn. Tôi kỳ vọng giai đoạn khó khăn nhất nền kinh tế đã qua với việc ngân hàng trung ương không còn quá thắt chặt tiền tệ. Đồng thời tạo ra nguồn vốn cho thị trường chứng khoán được vận hành suôn sẻ” - TS Hồ Quốc Tuấn nói.
Công ty chứng khoán Agriseco Research thông tin trong quý II, nền kinh tế phục hồi khá mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực với GDP đạt 7,7% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất trong hơn 10 năm qua kể từ năm 2011 nhờ sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp và đà phục hồi của du lịch. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 6%-6,5% trong năm nay là khả thi, trừ khi xuất hiện biến cố lớn.
Mặc dù gần đây các tổ chức lớn liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng vẫn duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế đang phát triển có triển vọng tăng trưởng tích cực nhất. Từ đó, thị trường chứng khoán còn nhiều dư địa để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Quan sát chặt thị trường
Thị trường tiếp tục quan sát việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại cho các ngân hàng. Cùng với đó là diễn biến tỉ giá cũng như các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục động thái tăng lãi suất quyết liệt trong tháng 9. Chúng tôi cũng không loại trừ khả năng thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến tiêu cực sẽ gây áp lực điều chỉnh lên thị trường Việt Nam.
Xu hướng của chỉ số thị trường trong tháng 9 sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm định lại vùng kháng cự 1.285 điểm trên VN Index. Nếu chinh phục và duy trì ổn định trên mốc 1.285 điểm kể trên, chỉ số sẽ mở rộng đà hồi phục lên vùng 1.300-1.310 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số điều chỉnh trở lại từ vùng 1.285 điểm, chúng tôi nhận thấy khu vực 1.220 điểm là vùng hỗ trợ tốt cho chỉ số.
Công ty chứng khoán SSI
Xuống tiền những ngành tiềm năng
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, nhận định trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều doanh nghiệp được đánh giá vẫn còn tiềm năng như các ngành liên quan đến đầu tư công. Giai đoạn cuối năm thường là cao điểm đẩy nhanh tiến trình giải ngân đầu tư công.
Cùng với chính sách này, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép sẽ có thể hưởng lợi. Ngân hàng cũng là một ngành được đánh giá tích cực. Các ngân hàng được kỳ vọng nới room tín dụng trong giai đoạn tới sẽ đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Bên cạnh đó, một số ngành khác như cảng biển, logistics thì vẫn có thể được hưởng lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu rất tích cực.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho biết chiến lược của nhà đầu tư hiện nay nên tập trung vào các cổ phiếu và lĩnh vực được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, bao gồm ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính và bất động sản.
Ngoài ra, vì các động lực tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì nguyên vẹn bất chấp dịch bệnh, các cổ phiếu và các ngành được hưởng lợi từ dòng vốn FDI, phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và số hóa cũng nên đưa vào danh mục đầu tư.
Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank, nhận định hiện tìm những ngành tiềm năng để đầu tư cũng là một việc khó khăn. Ví dụ, các cổ phiếu ngành thép đã tăng trưởng rất mạnh mẽ nhưng sau đó lại giảm mạnh và hiện cách mức đỉnh khá xa. Ngành công nghệ, vận tải và hàng tiêu dùng vẫn được đánh giá có mức lợi tốt trong giai đoạn biến động này nên nhà đầu tư giải ngân tiền từng phần vào đây cũng là chiến lược hợp lý.
Theo các chuyên gia, với việc giá dầu thô toàn cầu vẫn chưa rõ xu hướng giảm, những công ty liên quan đến ngành này vẫn hết sức hấp dẫn vì mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Ngoài ra, các cổ phiếu về lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nông sản hay hóa chất, phân bón, cao su cũng khá tiềm năng do hưởng lợi từ nhu cầu của thị trường vẫn còn rất cao.•
Thị trường chứng khoán đã gần chạm đáy
TS Hồ Quốc Tuấn (ảnh) đánh giá các quỹ đầu tư đang giữ lượng tiền mặt cao nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây. Điều đó có nghĩa là lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường. Đa số mọi người đều nhận định thị trường chứng khoán đang ở rất gần đáy. Do lượng tiền mặt còn quá lớn cùng với dư địa vĩ mô đủ chống chịu để vượt qua giai đoạn xấu nhất nên những yếu tố lạc quan hơn sẽ xuất hiện. Đến thời điểm đó, thị trường chứng khoán sẽ phát triển mạnh trở lại. Đồng thời khi dòng tiền tín dụng đi qua giai đoạn bị siết chặt thì chắc chắn cổ phiếu sẽ tăng điểm.
Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2022, nhà đầu tư nên phân bổ vốn vào các cổ phiếu có thể chia cổ tức tốt hoặc có mức định giá hợp lý. Ngoài ra cũng có thể xem xét giải ngân vào các cổ phiếu liên quan đến các lĩnh vực như chuyển đổi số, về cung cấp phần mềm, xuất khẩu phần mềm hoặc những cổ phiếu về hàng tiêu dùng thiết yếu vì có lợi nhuận ổn định.