Cấm nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ có thể gây tắc nghẽn thị trường

(PLO)- VCCI kiến nghị, chưa bổ sung quy định hạn chế nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nếu chưa tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định về chào bán trái phiếu.

Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội góp ý Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia (gọi tắt là Dự thảo)

Chưa bổ sung quy định hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Với nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, theo VCCI, Điều 1.2 Dự thảo (bổ sung Điều 11.1a Luật Chứng khoán) không cho phép nhà đầu tư cá nhân được đầu tư vào các trái phiếu phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp không phải của tổ chức tín dụng (TCTD).

Văn bản nêu rõ, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này cần cân nhắc ở một số điểm, thứ nhất, thị trường trái phiếu riêng lẻ đã có sự phát triển ổn định hơn sau nhiều biện pháp, nhà đầu tư cá nhân đã có sự thay đổi sau các vụ việc. Một là tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiêm được thắt chặt nên đảm bảo các nhà đầu tư không chuyên sẽ không tham gia thị trường này. Hai là, các nhà đầu tư cá nhân đã có ý thức đây là thị trường rủi ro và cần kiến thức trước khi tham gia vào.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện tại, thị trường trái phiếu riêng lẻ vẫn đang đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn. Việc phát hành trái phiếu ra công chúng rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 10%, do các vướng mắc trong quy định. Các nhà đầu tư tổ chức gặp khó khăn do các hạn chế đầu tư.

Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
VCCI kiến nghị chưa bổ sung quy định hạn chế cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Ảnh minh họa

Do đó, VCCI nhận định, việc điều chỉnh như Dự thảo sẽ có tác động rất lớn đến thị trường vốn. Có thể gây tắc nghẽn, đứt gãy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bởi hiện nay, nhà đầu tư cá nhân vẫn là một trong số các nhà đầu tư lớn có thể hấp thụ TPDN. Nếu hạn chế các nhà đầu tư này, doanh nghiệp khó có thể phát hành thêm vì không có đủ nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài ra là ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Do đó, VCCI kiến nghị chưa bổ sung quy định này trong lần sửa đổi này.

VCCI cũng cho rằng, quy định này chỉ nên cân nhắc sau khi tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến quy định về chào bán trái phiếu ra công chúng và giảm các hạn chế với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tổ chức.

Bỏ quy định liên quan đến thời gian hạn chế chuyển nhượng với chứng khoán chào bán riêng lẻ

Cũng theo VCCI, Điều 1.8 Dự thảo (sửa đổi Điều 31.1.c Luật Chứng khoán) cho phép tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng lên 3 năm, thay vì 1 năm như quy định hiện hành, với các loại cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ.

VCCI cho hay, theo phản ánh của các doanh nghiệp, quy định này là không hợp lý vì thời gian hạn chế 3 năm là quá dài với các nhà đầu tư tài chính. Thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường cận biên, có nhiều rủi ro và biến động, việc nắm giữ các chứng khoán riêng lẻ với thời gian từ 3 năm trở lên sẽ vượt khả năng kiểm soát rủi ro của các nhà đầu tư. Thời gian nắm giữ 3 năm chỉ phù hợp với các nhà đầu tư chiến lược, có nguyện vọng đồng hành lâu dài và tham gia vào hoạt động quản trị doanh nghiệp

Vì vậy, quy định tại Dự thảo có khả năng tạo ra những ảnh hưởng bất lợi tới cả doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư, tạo ra khó khăn cho kênh huy động vốn thông qua chào bán riêng lẻ. Ví như, ngăn cản nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam bởi các nhà đầu tư nước nước ngoài với dòng vốn lớn là các quỹ mở và các quỹ đầu tư tư nhân.

Các quỹ này thường không được đầu tư vào chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng hoặc chỉ được đầu tư vào chứng khoán có thời gian hạn chế chuyển nhượng không quá dài. Quy định tại Dự thảo sẽ khiến các quỹ trên không thể tham gia đầu tư do không phù hợp với chính sách đầu tư của các quỹ này.

Bên cạnh đó, việc tăng thời hạn hạn chế chuyển nhượng sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư từ các nhà đầu tư tổ chức, trong khi Dự thảo cũng đồng thời cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này. Hai nguồn đầu tư đều bị hạn chế sẽ khiến kênh huy động vốn này thêm khó khăn, thậm chí tắc nghẽn.

Vì vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định này khỏi Dự thảo.

Bà Nguyễn Hoài Thu - CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital - cho rằng, quy định không cho phép nhà đầu tư cá nhân được đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ giúp bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân tránh được những rủi ro lớn.

Bà Thu cho hay, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Việt Nam thời gian qua tồn tại những bất cập gắn với sức khỏe tài chính của nhiều tổ chức phát hành yếu kém, khả năng vỡ nợ cao. Trong khi đó, thông tin tài chính lại không rõ ràng khiến các nhà đầu tư cá nhân khó tiếp cận thông tin.

Do đó, bà Thu cho rằng, nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bằng cách đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu được quản lý bởi công ty quản lý quỹ - là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp được cấp phép, giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Tuy nhiên, bà Thu cũng lưu ý để điều này diễn ra thuận lợi thì các cơ quan quản lý cần sửa đổi các quy định một cách đồng để thị trường được thông suốt, không có điểm nghẽn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm