Vì sao ngân hàng miệt mài phát hành trái phiếu doanh nghiệp?

(PLO)- Nhóm ngân hàng vẫn đang “làm chủ cuộc chơi” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi huy động hơn 96.000 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong khi đó nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn giữ ngôi vị “quán quân” của việc chậm trả nợ. Điều đó cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nhóm doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa khởi sắc, đang đối mặt với áp lực đáo hạn lớn trong nửa cuối năm 2024.

Ngân hàng xoay vốn trung dài hạn

Theo Báo cáo thị trường trái phiếu mà Công ty Chứng khoán MBS vừa công bố cho thấy, tính từ ngày 1 đến ngày 18-7, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 11.300 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ. Trong đó đa số các đợt phát hành đều đến từ các ngân hàng thương mại cổ phần, chiếm hơn 96%.

Có thể kể đến những ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu doanh nghiệp như Viettinbank (3.000 tỉ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%/năm); SHB (2.000 tỉ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%/năm) và HDBank (1.000 tỉ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%/năm).

Các chuyên gia tài chính cho rằng, động thái đẩy mạnh việc phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần được cho là nhằm củng cố nguồn vốn trung và dài hạn. Điều này nhằm để đáp ứng nhu cầu vay của doanh nghiệp trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt 6% trong 6 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 14% trong những tháng cuối năm.

trái phiếu doanh nghiệp
Nhóm ngành bất động sản tiếp tục chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu doanh nghiệp.
Ảnh: PLO

Tính lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên toàn thị trường đạt hơn 148.700 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân trong 7 tháng đầu năm ước khoảng 7,4%/năm, thấp hơn so với mức trung bình 8,3%/năm của năm 2023.

Tính từ đầu năm, ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao nhất với khoảng 96.200 tỉ đồng, (tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái) chiếm tỉ trọng 65%, lãi suất bình quân là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân 4 năm.

Từ đầu năm đến nay, một số ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt giá trị lớn nhất như Techcombank (17.000 tỉ đồng), ACB (12.700 tỉ đồng), MBBank (8.900 tỉ đồng).

Xếp sau là nhóm ngành bất động sản với tổng giá trị phát hành đạt 32.600 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 47.500 tỉ đồng), tỉ trọng 22%. Lãi suất bình quân của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm.

Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất như Vinhomes (12.500 tỉ đồng), Vingroup (10.000 tỉ đồng) và Công ty Đầu tư và Phát triển bất động sản Hải Đăng (2.500 tỉ đồng).

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinGroup cho biết: “Ngân hàng thương mại không chỉ là nhóm ngành phát hành trái phiếu dẫn đầu thị trường mà còn là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu riêng lẻ, hiện ở mức 43% vào cuối 2023. Đây là tỉ lệ khá cao trong tương quan với các thị trường trong khu vực. Trong khi đó, các định chế đầu tư tổ chức bao gồm quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện còn sở hữu rất hạn chế (9%).

Sự lệ thuộc quá lớn của “đầu ra” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào các ngân hàng sẽ làm cho thị trường trái phiếu có nhiều biến động hơn và đòi hỏi sự phối hợp chính sách cao hơn cho thị trường tài chính Việt Nam”.

Tình trạng chậm trả trái phiếu doanh nghiệp gia tăng

Tính đến ngày 18-7, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng 10.100 tỉ đồng, giảm 60% so với tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 84.500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ.

Tỉ lệ chậm trả tiếp tục tăng nhanh khi nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng đáo hạn lớn. Từ đầu tháng 7 đến nay, thị trường đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp.

Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước vào khoảng 209.800 tỉ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

Theo ước tính của các nhà phân tích thị trường tại Công ty chứng khoán Rồng Việt, có khoảng hơn 95.300 tỉ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với giá trị trái phiếu đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỉ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn. Tiếp theo là ngành ngân hàng - tổng giá trị là ước khoảng 14,280 tỉ đồng (chiếm 15% giá trị đáo hạn).

Còn theo số liệu từ Visrating, trong 12 tháng tới, khoảng 18% trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị là 207.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm