Áp lực trả nợ trái phiếu vẫn đè nặng lên vai doanh nghiệp địa ốc

(PLO)- Doanh nghiệp bất động sản năm nay vẫn phải tiếp tục “khát” vốn khi lãi suất của khoản vay cũ vẫn ở mức cao, cộng thêm áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong năm 2024 sẽ có hơn 277.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt trong quý I và sau đó sẽ tăng mạnh trở lại trong quý II năm nay.

Áp lực trả nợ trái phiếu năm 2024 vẫn còn lớn

Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã ck: CRE) vừa thông qua nghị quyết gia hạn trái phiếu mã CRE202001. Theo đó, ngày đáo hạn được dời từ ngày 31-12-2023 sang ngày 31-1-2025. Cenland cho biết công ty sẽ thanh toán đầy đủ cho trái chủ lãi phải trả và thanh toán 20% tiền gốc trái phiếu của lô trái phiếu trên tại ngày đáo hạn cũ là 31-12-2023. Trong thời gian trái phiếu được gia hạn, lãi suất trái phiếu là 12%/năm.

Theo số liệu của VBMA, chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ghi nhận 41.009 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, có 16 mã trái phiếu chậm trả lãi, gốc với tổng giá trị khoảng 1.006 tỉ đồng và 47 mã trái phiếu được gia hạn, hoặc thay đổi lãi suất.

Nhận diện về những thách thức cho thị trường bất động sản trong năm 2024, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Năm nay một trong những thách thức nổi bật của doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhu cầu về vốn. Lãi suất mặc dù đã giảm, song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp và đặc biệt cao so với lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, tình trạng kéo dài thời gian nợ đáo hạn trái phiếu bất động sản sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn còn khó khăn, thị trường nhà đất vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, thì đương nhiên danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.

Những số liệu trên cho thấy áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đè nặng lên doanh nghiệp trong năm nay. Nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án vẫn còn chậm so với kỳ vọng, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản sẽ vẫn còn tiếp diễn trong năm tới".

trái phiếu
Trái phiếu doanh nghiệp cần gia hạn thời gian trả nợ gốc và lãi ngày càng tăng. Ảnh minh hoạ

Cần tiếp sức cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Từ thực trạng trên, VNDirect cho rằng áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ vẫn là thách thức lớn đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024.

“Trong khi đó, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có thể trầm lắng trở lại, khi Điều 3 Nghị định 08/2023 cho phép tạm ngưng “quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; quy định xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu” đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-2023. Thay vào đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phải áp dụng theo Nghị định 65 từ ngày 1-1-2024” - VNDirect nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Chính phủ cần gia hạn hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08/2023 đến hết năm nay (thay vì hết hiệu lực vào ngày 31-12-2023) để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư cá nhân đầu tư trái phiếu riêng lẻ trong năm 2024, phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp...

VNDirect cho rằng: Việc áp dụng các quy định trên theo Nghị định 65/2022 là cần thiết bởi nó sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn. Tuy vậy, các cơ quan chức năng liên quan cũng cần nghiên cứu và ban hành một số chính sách hỗ trợ khác thay thế cho Nghị định 08 đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2024 để hỗ trợ và thúc đẩy quá trình phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách bền vững. Với sự nỗ lực của cả nhà điều hành lẫn các chủ thể tham gia thị trường (đặc biệt là các doanh nghiệp phát hành), thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể chứng kiến đà phục hồi rõ nét và bền vững từ cuối 2024.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, TS Nguyễn Minh Phong đưa ra giải pháp: “NHNN cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong cuộc họp ngày 7-12-2023 về tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho các doanh nghiệp. Cụ thể: NHNN cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa, nhất là về tài sản thế chấp, thủ tục cho vay...

Quyết liệt hơn là các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với đặc thù của từng tổ chức tín dụng. Xử lý nghiêm ngân hàng đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp. Sớm hoàn thiện, trình cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các hoạt động mới như fintech, cho vay trực tuyến... để tạo điều kiện huy động và cho vay tiện lợi hơn.

Cạnh đó, chính các doanh nghiệp bất động sản cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm; tiếp tục cải thiện chất lượng dự án và củng cố niềm tin nhà đầu tư, đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm