Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MBS, từ ngày 1 đến ngày 20-8, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công ước đạt hơn 32 nghìn tỉ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ, đa số là từ các ngân hàng chiếm hơn 90%.
Đáng chú ý, từ đầu tháng tới ngày 20-8, chưa ghi nhận thêm doanh nghiệp mới nào công bố chậm các nghĩa vụ thanh toán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 220,8 nghìn tỉ đồng, tăng 50,4% so với cùng kỳ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân gia quyền trong 8 tháng đầu năm ước khoảng 7%, thấp hơn so với mức trung bình 8,3% của năm 2023.
Nguyên nhân sự phục hồi mạnh mẽ của trái phiếu doanh nghiệp
Nhận xét về sự phục hồi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhận xét: “Trong thời gian qua, tình hình thanh khoản và khối lượng phát hành mới của trái phiếu cải thiện, tuy nhiên sự phục hồi này chưa mạnh. Trong nhóm trái phiếu phát hành mới, chủ yếu tập trung trong nhóm ngân hàng. Trái phiếu của lĩnh vực này đang hồi phục tốt. Nhóm thứ hai là bất động sản.
Cho đến nay, nhóm ngân hàng và nhóm bất động sản luôn dẫn dắt sự phục hồi của thị trường trái phiếu, kể cả về thanh khoản và lượng phát hành mới”.
Ông Thế Minh cũng chỉ ra trong thời gian gần đây, trái phiếu của nhóm doanh nghiệp sản xuất cũng đã phục hồi dù không quá nhiều. Lý do bởi phần lớn nhóm sản xuất hiện nay vẫn yêu thích việc vay tín dụng từ ngân hàng với lãi suất thấp.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh bối cảnh kinh tế vĩ mô đang hỗ trợ rất quan trọng cho sự phục hồi của tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Năm nay, chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 6,5%, con số này hoàn toàn trong tầm tay bởi tăng trưởng kinh tế quý II-2024 đã đạt 7% rồi.
Ngoài ra, cũng theo ông Minh, môi trường lãi suất thấp hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Lãi suất huy động của ngân hàng hiện đang ở mức thấp, nó cũng là thuận lợi để doanh nghiệp đẩy nhanh huy động trái phiếu với mức lãi suất tốt hơn.
Đồng quan điểm, ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán KIS cho rằng, một yếu tố quan trọng khác chính là niềm tin của nhà đầu tư đang trở lại thị trường trái phiếu sau một loạt các vụ đại án liên quan Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh từng gây tổn hại đến niềm tin của nhà đầu tư.
Ông Hiếu phân tích nguyên nhân cho sự suy yếu của thị trường trái phiếu trong thời gian trước chủ yếu nằm ở nhóm cổ phiếu bất động sản. Một số doanh nghiệp trong ngành từng huy động trái phiếu và sử dụng sai mục đích qua đó ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư và ảnh hưởng đến toàn thị trường. Các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định cũng bị ảnh hưởng theo khi nhà đầu tư mất niềm tin.
"Hiện tại, nhà đầu tư đã nhận biết vấn đề xuất phát từ các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp khác không bị ảnh hưởng nên niềm tin đã quay trở lại. Bên cạnh đó, sự can thiệp của Chính phủ vào hoạt động của thị trường cũng làm niềm tin của nhà đầu tư gia tăng nên thị trường trái phiếu cũng có sự phục hồi", ông Hiếu nhận định.
Khi nào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự phục hồi?
Dù thừa nhận về sự phục hồi của thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhưng ông Nguyễn Thế Minh cho rằng phải nhìn vào thực tế rằng hiện tại chủ yếu các doanh nghiệp lớn, đầu ngành bất động sản mới phát hành được trái phiếu. Còn lại phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn trong tình trạng khó khăn.
Tuy nhiên, cũng theo giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của chứng khoán Yuanta, sự phục hồi của trái phiếu bất động sản đang phát đi tín hiệu tốt cho thị trường bất động sản. Nếu như trước đây các doanh nghiệp duy trì lượng tồn kho lớn để chờ thị trường hồi phục thì nay họ đang huy động dòng tiền như vậy để sẵn sàng trở lại thị trường, trước tiên là bán tồn kho ra và huy động thêm dòng tiền để tính đến thêm hoạt động mới.
Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp trả chậm trái phiếu đang giảm dần. Những doanh nghiệp còn nợ đọng trái phiếu đang xử lý theo hướng giải quyết dần cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Dù vậy các khoản nợ đọng lớn trái phiếu chủ yếu tồn lại ở nhà đầu tư tổ chức hoặc các ngân hàng, rủi ro còn ở phía trước. Thế nhưng nổi bật nhất, thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản đang cải thiện trở lại.
Vì vậy ông Minh tin rằng thời điểm xấu nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã qua đi, trong năm nay sự phục hồi của thị trường sẽ diễn ra dần dần, và từ đầu năm 2025 sẽ thực sự khởi sắc.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở nên minh bạch hơn. Ảnh: TL
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu – trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán KIS nhấn mạnh đến một số điểm nổi bật nhất của thị trường trái phiếu thời gian gần đây.
Thứ nhất, thị trường này đang trở nên minh bạch hơn. Theo đó, sau khi Chính phủ có những biện pháp can thiệp vào thị trường trong giai đoạn trước gồm bắt buộc giao dịch trái phiếu tập trung và công bố thông tin thì thị trường này đã trở nên minh bạch hơn. Khi thị trường trở nên minh bạch thì niềm tin nhà đầu tư sẽ trở lại và thị trường sẽ phát triển.
Thứ hai, giá trị phát hành trái phiếu đang phục hồi trở lại. Tuy tổng quy mô phát hành không quay lại mức đỉnh điểm trong năm 2021, nhưng tổng giá trị trong năm 2023 và 2024 đã phục hồi đáng kể từ mức đáy 2022. Điều này cho thấy thị trường đang phát triển.
Tuy có nhiều tín hiệu tích cực và niềm tin của nhà đầu tư đã dần quay lại, nhưng vẫn có những lô trái phiếu chưa thanh toán được. Điều này vẫn sẽ ảnh hưởng phần nào đến quyết định của nhiều nhà đầu tư, nên trong ngắn hạn (trong các tháng còn lại của năm), thị trường trái phiếu sẽ không có sự bùng nổ. Các doanh nghiệp lớn có lịch sử hoạt động tốt sẽ vẫn phát hành được trái phiếu nhưng khó có sự đột biến.
Với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, việc phát hành chủ yếu sẽ vẫn khó khăn. Dòng vốn huy động được chủ yếu được sử dụng để đáo hạn các lô trái phiếu trước đó.
"Do thị trường bất động sản vẫn đang gặp khó khăn các doanh nghiệp khó triển khai được các dự án mới nên các doanh nghiệp trong ngành khó có dòng tiền và tài chính đủ mạnh để đảm bảo cho hoạt động phát hành này, ông Hiếu nhận định.
Các chuyên gia kinh tế cũng thể hiện quan điểm thận trọng với sự phục hồi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu phục hồi khi so sánh với mức nền thấp của 2 năm trước. Bên cạnh đó, số lượng trái phiếu mới chủ yếu vẫn do ngân hàng phát hành chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tăng vốn cấp 2 của họ theo thông lệ quốc tế, chính vì vậy sẽ cần thêm thời gian để khẳng định chắc chắn về sự phục hồi này.