Giải bài toán khát vốn của doanh nghiệp

(PLO)- Để giải quyết vấn đề thanh khoản cần dựa trên hai yếu tố chính là niềm tin của nhà đầu tư và hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thanh khoản đóng vai trò then chốt đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN). Thiếu thanh khoản là một trong những nguyên nhân chính khiến DN đóng cửa nhanh hơn bất cứ nguyên nhân nào khác.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với TS Đào Lê Trang Anh và TS Lê Hồng Hạnh, Trường ĐH RMIT Việt Nam, để đánh giá về tình hình thanh khoản chung hiện nay và góp ý những giải pháp gỡ vướng khả thi.

Vay vốn ngân hàng được xem là một trong những kênh huy động khả quan đối với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: P.MINH
Vay vốn ngân hàng được xem là một trong những kênh huy động khả quan đối với doanh nghiệp. Ảnh minh họa: P.MINH

. Phóng viên:Bà đánh giá thế nào về việc thanh khoản trên thị trường đang bị co hẹp, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và DN?

+ TS Đào Lê Trang Anh: Trong bối cảnh thị trường tài chính gần đây, nhiều nguyên nhân dồn dập xảy ra dẫn đến thanh khoản bị co hẹp. Có thể nói đụng đến kênh huy động vốn nào thì kênh đó đều khó khăn.

Đơn cử như trái phiếu gần đây, nhà đầu tư rất thận trọng. Không chỉ DN bất động sản khó huy động vốn thông qua kênh này mà các DN sản xuất cũng vậy.

Thị trường chứng khoán thì ảm đạm, liên tục biến động. Kênh hỗ trợ thanh khoản tốt nhất DN có thể bấu víu là ngân hàng (NH) thì lãi suất cũng tăng, room tín dụng luôn ở trong tình trạng hết hoặc sắp hết.

Có thể nói DN đang gặp khó khăn trong việc duy trì thanh khoản. Thời điểm này DN vẫn đang cố gắng gồng gánh với hy vọng qua năm 2023 mọi thứ sẽ dần được phục hồi. Tuy nhiên, nếu trong thời gian tới không có giải pháp thì nhiều DN sẽ lao đao.

Gỡ room tín dụng là việc làm cấp thiết và sẽ có tác động cứu thanh khoản kịp thời cho DN. Ngày 5-12 vừa qua, NH Nhà nước đã nới room tín dụng thêm 1%-1,5% hỗ trợ nền kinh tế để đưa tổng tín dụng cả năm lên 15,5%-16%.

. Theo bà, tiền đang đổ vào đâu?

+TS Lê Hồng Hạnh: Trong bối cảnh hiện tại, bất động sản gần như đóng băng, kênh trái phiếu không thu hút được nhà đầu tư mới, chứng khoán giảm điểm thì có lẽ tiền đang ở trong hai tình trạng chính. Một là nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào NH và đứng ngoài quan sát thị trường. Hai là tiền đang bị kẹt ở tài sản và các dự án dang dở.

Bên cạnh đó, theo số liệu từ NH Nhà nước, tăng trưởng tín dụng chín tháng năm 2022 tăng khoảng 11% so với năm 2021 nhưng vốn tín dụng rót vào lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7%.

Khi các công ty bất động sản không bán được hàng thì khó khăn chồng khó khăn, dòng tiền không được khơi thông và tiền thì vẫn kẹt ở bất động sản.

Thêm đó, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy 10 tháng năm 2022, khối lượng trái phiếu DN mua lại trước hạn là 152,5 ngàn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này nghĩa là có một lượng tiền huy động bị kẹt lại trong trái phiếu DN mua lại.

. Phải chăng việc các DN, NH, quỹ đầu tư gấp rút mua trái phiếu trước hạn ảnh hưởng đến thanh khoản trên thị trường?

+ TS Đào Lê Trang Anh: Về bản chất, trái phiếu là một kênh huy động vốn quan trọng đối với DN. Xét về lãi phải trả thì DN sẽ tiết kiệm được một khoản so với huy động tiền từ NH.

Hiện nay có làn sóng bán tháo trái phiếu trên phạm vi rộng, làn sóng này cũng kéo theo làn sóng tháo chạy khỏi quỹ đầu tư trái phiếu, đẩy một số quỹ đầu tư vào thế rủi ro thanh khoản.

Hậu quả của tâm lý này chính là việc các nhà đầu tư cá nhân sẵn sàng bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại DN phát hành không trả được nợ. Phía DN phát hành cũng sẵn sàng lựa chọn phương án mua lại trái phiếu trước hạn và có những hình thức khác nhau để tái cấu trúc nợ từ trái phiếu.

Việc phải mua lại trái phiếu chắc chắn đã làm xáo trộn kế hoạch sử dụng vốn của các DN và ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thanh khoản chung trong nền kinh tế.

Thị trường bất động sản gặp khó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thanh khoản của nhiều ngành. Ảnh minh họa: Q.HUY
Thị trường bất động sản gặp khó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thanh khoản của nhiều ngành. Ảnh minh họa: Q.HUY

. Thiếu thanh khoản trong các tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của DN?

+ TS Lê Hồng Hạnh: Việc này sẽ ảnh hưởng đến DN trong cả ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể, trong ngắn hạn, DN sẽ gặp khó khăn trong việc thiếu vốn mua nguyên vật liệu, phải hoạt động cầm chừng và hạn chế nhận đơn hàng. Thiếu thanh khoản cũng ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ của DN và huy động vốn mới.

Tác động của thiếu thanh khoản đã được thể hiện qua hoạt động sản xuất của DN Việt Nam trong tháng 11 vừa qua.

Theo báo cáo của S&P Global, chỉ số quản lý thu mua PMI (Manufacturing Purchasing Managers’ Index) của Việt Nam trong tháng 11 chỉ đạt 47,4 điểm, thấp nhất từ đầu năm đến nay và thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Chỉ số PMI để đo lường tình trạng hoạt động kinh tế của ngành sản xuất. PMI giảm phản ánh sự sụt giảm đáng kể của sản lượng cũng như đơn đặt hàng mới của các DN sản xuất Việt Nam.

Về dài hạn, thiếu thanh khoản sẽ khiến DN đưa ra những quyết định có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động dài hạn như: Vay nóng để trả lương cho nhân viên và cầm cự sản xuất, cắt giảm nhân sự, giảm tín dụng thương mại dẫn đến mất đi các khách hàng tiềm năng…

Ngoài ra, DN khó thanh toán khoản nợ sẽ chiếm dụng vốn của DN khác và NH, kéo theo tất cả gặp rủi ro tín dụng và cạn kiệt nguồn vốn, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cuối cùng, việc thiếu thanh khoản có thể dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh của DN và đối mặt với nguy cơ bị thôn tính.

. Theo bà, để giải quyết vấn đề thanh khoản hiện nay cần dựa vào nhân tố nào?

+ TS Đào Lê Trang Anh: Để giải quyết vấn đề thanh khoản cần dựa trên hai yếu tố chính là niềm tin của nhà đầu tư và hỗ trợ từ cơ quan quản lý.

Các yếu tố không tích cực trên thị trường trái phiếu đã tạo ra khủng hoảng niềm tin đối với nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Vì vậy, các cơ quan quản lý, DN và nhà đầu tư cần bình tĩnh, cùng khắc phục các vấn đề về niềm tin đối với trái phiếu.

Về phía cơ quan quản lý, việc đưa ra các thông tin chính thống nhằm lấy lại niềm tin của nhà đầu tư là vô cùng quan trọng. Về phía DN, cần giữ chữ tín và thực hiện việc trả nợ đúng hạn với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng cần bình tĩnh xem xét khoản nợ và định hướng đầu tư để ra các quyết định đúng đắn, tạo điều kiện cho DN tiếp tục hoạt động.

Chính sách nào để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp?

Theo TS Đào Lê Trang Anh, Nhà nước nên có các chính sách toàn diện để tác động lên cả ba kênh huy động vốn trên. Chúng ta có thể nhận thấy quan điểm rõ ràng của Chính phủ trong các cuộc họp và phát biểu gần đây, đó là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu riêng lẻ. Ngoài ra, việc Chính phủ minh bạch hóa thông tin là vô cùng quan trọng để củng cố niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu.

TS Đào Lê Trang Anh

TS Đào Lê Trang Anh

Điều doanh nghiệp nên làm

Dành lời khuyến nghị cho các DN nên làm gì trong giai đoạn khó vay vốn như hiện nay, TS Lê Hồng Hạnh cho rằng DN cần đưa ra các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của DN và lĩnh vực kinh doanh.

TS Lê Hồng Hạnh

TS Lê Hồng Hạnh

Cụ thể, DN cần xem xét một hoặc nhiều biện pháp như sau: Lựa chọn dự án phù hợp để tiếp tục đầu tư; tạm dừng các dự án không cấp bách, cần dòng tiền lớn. DN bán một phần tài sản để thanh toán các khoản nợ hoặc giải quyết các nhu cầu chi trả cấp bách. Đàm phán với nhà đầu tư về các phương án giãn nợ, hoãn nợ, thanh toán từng phần hoặc dùng phương án hàng đổi hàng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thu tiền bán hàng để thu hồi vốn sớm, kết hợp với các chiến lược marketing thu hút khách hàng, giảm hàng tồn kho và tăng dòng tiền, tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm