Ngành du lịch tìm cách chuyển đổi số

(PLO)- Một số doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo, đặt dịch vụ qua ứng dụng… và đạt được kết quả ban đầu khả quan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đáp ứng đòi hỏi của thời đại công nghệ số, doanh nghiệp (DN) ở nhiều lĩnh vực đã nỗ lực chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình. Ngành du lịch cũng hòa nhập, xu thế này nhằm tăng hiệu quả và chất lượng dịch vụ.

Do đặc thù của ngành du lịch là lấy con người làm trung tâm nên việc áp dụng công nghệ cũng phải tùy cơ ứng biến.

Bài toán chi phí và con người

Chị Thu Hằng (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ là chưa được đi đến nhiều nơi nên khi truy cập website của Sở Du lịch hay một số công ty lữ hành được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, có thể “đi du lịch ảo” đến các địa điểm tại Phú Quốc, Nha Trang, TP.HCM… rất thú vị.

Ông Võ Minh Trung, Giám đốc khách sạn Riverside (quận 1, TP.HCM), cho biết trải qua giai đoạn đại dịch, khách sạn đã chuyển mình áp dụng công nghệ trong quản trị và quảng bá hình ảnh.

Bà BÙI THỊ NGỌC HIẾU

BÙI THỊ NGỌC HIẾU

Trong xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, ngành du lịch đánh giá rất cao về tính tiên phong cũng như vai trò của các DN du lịch có ứng dụng công nghệ cao trong việc phát triển du lịch của TP.

Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng công nghệ số để quảng bá, thu hút khách du lịch như phối hợp với Tổng cục Du lịch và các công ty công nghệ triển khai xây dựng ứng dụng OneApp, cung cấp tất cả thông tin và dịch vụ trực tuyến cho khách quốc tế đến TP; xây dựng sàn giao dịch dịch vụ du lịch; bổ sung các view động theo tính năng có hướng dẫn viên ảo tại các điểm đến đã quét hình ảnh 3D để thuyết minh thông tin về các điểm đến…

BÙI THỊ NGỌC HIẾU,Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM

Dễ thấy nhất là việc thanh toán, thay vì dùng tiền mặt hay chuyển khoản như trước đây thì bây giờ du khách chỉ cần quét mã để thanh toán qua QR Code, VNPAY. Khi muốn trải nghiệm dịch vụ ăn uống, khách hàng có thể dùng QR Code để đặt món... Khách cũng có thể check-in, check-out ngay trên ứng dụng (app) của khách sạn, thông tin sẽ về thẳng phần mềm quản lý. Đơn vị cũng không cần in brochure quảng cáo mà thông qua QR Code đã có thể giới thiệu một cách thực tế, sinh động, khách hàng sẽ đặt được dịch vụ ngay trên app theo nhu cầu.

Theo ông Trung, quá trình đưa công nghệ vào vận hành cái khó đầu tiên là chi phí rất lớn, dẫn đến giá dịch vụ sẽ phải tăng theo. Vì vậy, thời điểm này Riverside chỉ mới đi được 50% chặng đường.

“Nhân sự cũng phải có trình độ công nghệ, biết xử lý khi có sự cố như sập mạng, cúp điện… để không ảnh hưởng đến khách hàng. Đây cũng là khó khăn của chúng tôi” - ông Trung nói.

Ông Phan Đình Huê, chuyên gia du lịch, nhận định các DN du lịch khi ứng dụng công nghệ có thể đạt hiệu quả quảng bá cao, đưa được dịch vụ đến gần với khách hàng hơn. Riêng về ứng dụng công nghệ thực tế ảo có thể một số DN lớn sẽ triển khai vì chi phí không nhỏ, phải có nguồn lực để cân đối doanh thu, lợi nhuận, đặc biệt là phải có nhân sự chuyển đổi số.

Ví dụ, một DN mở bán tour đi Phú Quốc thì hình ảnh điểm đến phải liên tục được cập nhật, đội ngũ nhân sự viết nội dung, lên kịch bản… mới hấp dẫn được khách hàng.

Khách hàng đã quá quen thuộc với việc tìm hiểu các tour du lịch qua website. Ảnh: T.UYÊN
Khách hàng đã quá quen thuộc với việc tìm hiểu các tour du lịch qua website. Ảnh: T.UYÊN

Ở góc nhìn tổng thể chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, ông Nguyễn Bá Thiết, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VNLink - đơn vị chuyên cung cấp giải pháp công nghệ trong ngành du lịch, cho biết hiện nay các đơn vị hoạt động trong chuỗi cung ứng du lịch đa phần tập trung về khâu kinh doanh và vận hành theo hướng truyền thống.

Rất ít đơn vị dành nguồn lực phát triển đội ngũ riêng, chuyên nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch trên nền tảng công nghệ do vướng mắc chi phí và nhân sự. Hiện nay, một số DN đã ứng dụng các công nghệ nổi bật vào du lịch như trí tuệ nhân tạo (AI), du lịch qua thực tế ảo (VR), số hóa các sản phẩm vé máy bay, vé vui chơi, khách sạn…

Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao do các sản phẩm, nền tảng trên đang hoạt động riêng biệt, khó tiếp cận. Để hoạt động hiệu quả hơn, DN cần có một hệ sinh thái hoàn thiện (all in one) giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm, DN dễ bán hàng và cơ quan quản lý dễ hỗ trợ.

Không phải mô hình nào cũng áp dụng được công nghệ số

Theo ông Võ Minh Trung, tùy mô hình mà các đơn vị áp dụng công nghệ theo cách thức khác nhau. Chẳng hạn, Riverside là khách sạn cổ nổi tiếng ở TP.HCM, các tầng thông nhau bằng thang bộ, vì vấn đề an ninh nên khách nhận phòng buộc phải check-in với lễ tân.

Đồng thời, theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều phải có danh sách cập nhật nhân viên và khách hàng mỗi ngày nên khách phải thông qua lễ tân. Ngay cả việc đơn giản là khóa cửa vào phòng, có khách chỉ thích khóa cơ, không thích thẻ từ… Do đó, việc áp dụng công nghệ phải được triển khai một cách phù hợp, nếu không sẽ làm hư “cảm xúc” của khách hàng.

Giám đốc Bảo tàng Áo dài (quận 9, TP.HCM) Huỳnh Ngọc Vân cũng cho biết: “Thực tế chúng ta vẫn chưa lắng nghe phản hồi của du khách, chưa thống kê có bao nhiêu khách đã tham quan bảo tàng qua công nghệ và sau đó muốn đến tham quan thực tế ngay.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Áo dài tại quận 9, TP.HCM. Ảnh: T.UYÊN
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Áo dài tại quận 9, TP.HCM. Ảnh: T.UYÊN

Bảo tàng Áo dài mang đến những câu chuyện cần có cảm xúc thật như đờn ca tài tử, hát ví dặm, du khách được mặc áo dài xưa, đi guốc mộc… nên vẫn cần đề cao trải nghiệm thực tế, không thể số hóa một cách máy móc”.

Hiện nay, một số bảo tàng đã ứng dụng công nghệ trong thuyết minh tự động, điều này là một chuyển đổi phù hợp vì nếu dùng hướng dẫn viên như truyền thống thì đôi khi du khách phải chờ đợi mất thời gian để đủ đoàn hay phải đi chung với nhau mới được nghe thuyết minh.

Đồng tình, ông Đặng Mạnh Phước, CEO Công ty nghiên cứu thị trường Outbox Consulting, cho biết công nghệ là vô vàn và chỉ phát huy hiệu quả khi DN áp dụng đúng mục tiêu. Đặc thù của ngành du lịch là lấy con người làm trung tâm. Công nghệ ứng dụng vào đâu để không mất tính kết nối giữa con người với nhau trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch là một câu hỏi lớn.

“Nếu áp dụng công nghệ quá tràn lan, du khách sẽ mất đi sự kỳ vọng mà họ đặt ra đối với dịch vụ. Do đó, tùy vào mô hình kinh doanh, thị trường, nhu cầu của khách hàng... để quyết định sử dụng công nghệ ở mức độ nào chứ không phải nhà nhà chạy đua theo công nghệ” - ông Phước nói.

HUỲNH NGỌC VÂN, Giám đốc Bảo tàng Áo dài:

Bảo tàng Áo dài đón lượng khách gấp đôi năm 2021

Dù gặp khó khăn trong kinh phí đầu tư công nghệ song bảo tàng luôn nỗ lực, học hỏi, tiếp thu những công nghệ các DN đi trước đã áp dụng. Cụ thể, sau dịch bệnh, bảo tàng liên tục cải tiến, nâng chất và cho ra đời website mới. Đồng thời, nhờ sự đồng hành cùng ngành du lịch TP, các DN lữ hành, Bảo tàng Áo dài mới ra đời năm 2014, nằm cách xa trung tâm TP nhưng kết quả đáng mừng là năm 2022 bảo tàng đã đón 38.000 lượt khách. Đây là con số tăng đột phá, gấp đôi so với năm 2021.

Bà HUỲNH NGỌC VÂN

HUỲNH NGỌC VÂN

Ông NGUYỄN BÁ THIẾT, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty VNLink:

Đồng hành để DN không mất chi phí chuyển đổi số

Mục đích của áp dụng công nghệ vào chuyển đổi số là giúp DN cởi bỏ những rào cản về chi phí kinh doanh cao, chi phí vận hành cao, giảm bớt thao tác nghiệp vụ, tiết kiệm thời gian của người dùng và đặc biệt là nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN. Chúng tôi sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ DN du lịch chuyển đổi số gần như không mất chi phí để thúc đẩy ngành du lịch nước nhà phát triển.

Ông NGUYỄN BÁ THIẾT

Ông NGUYỄN BÁ THIẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm