Trái phiếu doanh nghiệp có thêm cửa để phục hồi

(PLO)-  Những khó khăn trên thị trường trái phiếu bắt đầu gây ra nhiều vấn đề cho thị trường tài chính, tình trạng này cần được giải quyết bằng chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gỡ các điểm nghẽn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) lúc này một mặt vừa giúp các DN có được dòng vốn trung và dài hạn để phát triển, mặt khác tạo dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư. Với mục tiêu đó, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp để giúp thị trường phát triển một cách bền vững, ổn định.

TS LÊ XUÂN NGHĨA, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sáchtài chính, tiền tệ quốc gia:

Thành lập quỹ bảo lãnh TPDN

Chúng ta có thể tính toán thành lập quỹ bảo lãnh TPDN như Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm. Mới đây, một công ty Hàn Quốc vỡ nợ 146 triệu USD khiến thị trường trái phiếu Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng. Chính phủ nước này đã kích hoạt quỹ TPDN để hỗ trợ, bởi nếu không thị trường trái phiếu sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Quy trình vận hành của quỹ bảo lãnh TPDN là những trái phiếu đã phát hành và đến đáo hạn nhưng không có khả năng trả thì quỹ này mua lại. Tất nhiên, bảo lãnh không đại trà mà hỗ trợ những DN đứng vững trên thị trường và còn tài sản. Điều này sẽ giúp ổn định niềm tin.

Nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ doanh nghiệp.Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ doanh nghiệp.Ảnh minh họa: PHƯƠNG MINH

Ngoài ra, nên cho phép DN tái cấu trúc trái phiếu của mình như một ngân hàng thương mại. Họ chỉ cần làm đề án công bố công khai trên thị trường sẽ tái cấu trúc nợ và dựa vào đó quỹ bảo lãnh TPDN sẽ quyết định bảo lãnh hay không.

TS Nguyễn Hoàng Bình, ĐH RMIT Việt Nam:

Tháo gỡ nhanh các vướng mắc

Các DN có áp lực đáo hạn trái phiếu sắp tới mà không có khả năng phát hành TPDN mới hoặc huy động vốn từ các nguồn khác thì Chính phủ có thể cân nhắc các biện pháp để hỗ trợ, giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ. Chính phủ có thể tham khảo các giải pháp đã được các nước ứng dụng như tái cấu trúc, giãn nợ, lập quỹ bình ổn trái phiếu… Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra cần được đánh giá cụ thể trên cơ sở phân tích chi phí - lợi ích (cost-benefit analysis) trước khi áp dụng.

Trong quá trình áp dụng quy định mới, cần có các văn bản hướng dẫn đầy đủ, kịp thời, hạn chế việc áp dụng quy định cứng nhắc và sai lệch với mục tiêu của nghị định mới ban hành. Các trở ngại, bất cập trong khi thực hiện quy định cần được tháo gỡ, sửa chữa kịp thời.

Trong dài dạn, cần có lộ trình rõ ràng trong việc ban hành các chính sách, quy định liên quan đến việc phát triển thị trường TPDN. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro từ sự bất ổn chính sách, củng cố và duy trì niềm tin của nhà đầu tư, thu hút sự tham gia của DN, đặc biệt là các DN có mức độ tín nhiệm cao trong việc huy động vốn thông qua thị trường TPDN.

Luật sưTRƯƠNG THANH ĐỨC:

Đừng siết quá chặt các quy định

Hiện đang có những áp lực đè lên thị trường TPDN vì quy định mới khá chặt chẽ và sự kiện một số lãnh đạo tập đoàn bị bắt trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề, không phải mua trái phiếu là mất tiền. Cụ thể, các trái phiếu do ngân hàng phát hành hoàn toàn có tính an toàn cao do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất chặt chẽ. Các trái phiếu có tài sản đảm bảo cũng hoàn toàn yên tâm có thể thu hồi nợ nếu DN không trả được nợ.

Dòng tiền từ TPDN đóng vai trò quan trọng cho nguồn vốn trung và dài hạn. Để DN dễ huy động vốn cần phải xem xét giảm bớt các điều kiện phát hành. Nếu đặt các điều kiện an toàn quá cao có thể phát sinh hình thức huy động vốn có tính rủi ro khác.

Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét quy định bảo lãnh thanh toán và tài sản đảm bảo vì đây là quy định tương đương với ngân hàng. Cũng không nên siết quá mức nhà đầu tư không chuyên không được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ vì sẽ khiến nhà đầu tư lẫn DN mất cơ hội.

Cần nhanh chóng thiết lập việc xếp hạng tín nhiệm theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng. Yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm cũng rất quan trọng để gia tăng sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường TPDN. Nhu cầu của nhà đầu tư tăng lên sẽ thu hút sự tham gia của các tổ chức phát hành, đặc biệt là các tổ chức phát hành đáp ứng được yêu cầu của nghị định mới. Như vậy, trong dài hạn, nguồn cung thị trường sẽ đa dạng hơn.

Ông MÃ THANH DANH,Chủ tịch Công ty Tư vấn quốc tế CIB:

Doanh nghiệp cần chủ động trả nợ

Các DN cần chủ động giảm bớt áp lực trái phiếu đáo hạn bằng cách tính toán khả năng từ nội tại. Đối với DN đang kinh doanh tốt nhưng trái chủ yêu cầu mua lại thì có thể dùng nguồn tiền mặt để mua lại, giúp giải tỏa bớt áp lực. Nếu không đủ tiền, DN có thể đi vay hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, DN có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn.

Năm 2022, khối lượng phát hành TPDN giảm rõ rệt. Cụ thể, quý I lượng TPDN phát hành đạt 134.800 tỉ đồng nhưng đến quý III chỉ có 65.900 tỉ đồng. Từ giữa tháng 9, sau khi Nghị định 65 có hiệu lực đến cuối tháng 11, các DN phát hành được khoảng 7.000 tỉ đồng. Trong khi đó, khối lượng TPDN được mua lại trước hạn đến hết tháng 10 là 122.500 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng những DN có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém hiệu quả, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực. Vì vậy, DN cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, DN buộc phải bán các tài sản mình đang có như đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối… để thanh toán cho trái chủ.

Thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi DN gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế thì DN lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Thị trường chứng khoán cũng chưa được nâng hạng. Khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp DN đỡ áp lực về nguồn vốn.

Cuối cùng, DN cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Đáng tiếc, các công cụ mua bán nợ tại Việt Nam hiện chưa phổ biến nên cần nhanh chóng thiết lập một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản. Các trái chủ khi cần bán lại TPDN sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho DN.

Ông NGUYỄN QUANG THUÂN,Chủ tịch HĐQT FiinRatings:

Cần hành động nhanh để giải cứu thị trường

Những khó khăn trên thị trường TPDN đang bắt đầu gây ra nhiều vấn đề cho thị trường tài chính nên cần nhanh chóng được giải quyết bằng các chính sách can thiệp. Nhà nước cần xem xét và rà soát các tổ chức phát hành có nguy cơ gây rủi ro cao cho trái chủ cá nhân. Trong đó, hướng dẫn rõ ràng việc cơ cấu nợ cũng như đánh giá rủi ro lên ngân hàng và nền kinh tế để có giải pháp. Đồng thời, tạo điều kiện thủ tục nhanh cho trái phiếu phát hành; giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản để DN nhanh chóng đưa ra thị trường, tạo nguồn thu để thực hiện trả nợ trái phiếu đúng hạn.

Mới đây, tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 13-12, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhận định cần sớm sửa Nghị định 65/2022 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường TPDN. Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính mở thêm kênh phát hành ra công chúng để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành lên.

Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện khẩn yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để ổn định, thúc đẩy hoạt động của thị trường TPDN, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm