Đề xuất loạt giải pháp mới khơi thông trái phiếu

(PLO)- Bộ Tài chính đề xuất lùi một năm thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu... nhằm tháo gỡ điểm nghẽn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Giãn quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm

Nghị định 65/2022 quy định chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép đầu tư và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay. Với quy định mới này, cơ hội cho nhà đầu tư cá nhân vào TPDN là cực kỳ khó.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện một năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tức từ ngày 1-1-2024 sẽ tiếp tục thực hiện quy định này, thay vì từ ngày 1-1-2023 như quy định tại Nghị định 65.

Nguyên nhân được Bộ Tài chính đưa ra là do thị trường TPDN đang gặp khó khăn về thanh khoản. Việc giãn thời gian thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm sẽ giúp thị trường có thêm thời gian điều chỉnh và có thể duy trì cầu đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân.

Cũng theo Bộ Tài chính, Nghị định 65/2022 yêu cầu từ ngày 1-1-2023, hồ sơ chào bán TPDN của đơn vị phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, trường hợp DN phải thực hiện xếp hạng tín nhiệm sẽ mất một thời gian đáng kể và tăng thêm chi phí phát hành.

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép hoãn thực hiện quy định về yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng một năm, từ ngày 1-1-2024 sẽ thực hiện thay vì từ ngày 1-1-2023 như quy định tại Nghị định 65. “Riêng đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, DN phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau” - Bộ Tài chính báo cáo.

Cho phép được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu

Ngoài các nội dung trên, Bộ Tài chính đề xuất cho phép DN được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu tối đa không quá hai năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân, hiện thị trường tài chính, tiền tệ gặp khó khăn về thanh khoản, DN khó phát hành trái phiếu mới trong khi lại có áp lực trả nợ đối với trái phiếu đáo hạn năm 2023-2024. “Quy định này sẽ hỗ trợ DN giảm lượng trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh vào hai năm tới và có khả năng huy động vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cơ cấu lại các khoản nợ” - Bộ Tài chính lý giải.

Bộ Tài chính cũng đề xuất cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác...

Cần tháo gỡ nhanh

Liên quan đến TPDN, tại tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN” do báo Người Lao Động tổ chức ngày 13-12, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho biết lượng phát hành TPDN giảm 35%-40% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng các công ty bất động sản càng khó phát hành hơn. Vì vậy cần phải khẩn trương tháo gỡ, vì đây là kênh rất quan trọng với các DN. Đặc biệt cần sớm sửa Nghị định 65/2022 để tháo gỡ khó khăn cả về cung và cầu cho thị trường TPDN. Trong đó kiến nghị Bộ Tài chính mở hơn nữa kênh phát hành ra công chúng, để tăng tỉ lệ trong tổng giá trị phát hành lên.

“Với lượng vốn tín dụng như hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu nên cần phải khơi thông các dòng vốn khác, nhất là kênh TPDN” - TS Lực nhấn mạnh.

Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp để khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bộ Tài chính đề xuất nhiều giải pháp để khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cũng kiến nghị khi DN phát hành TPDN, cổ phiếu thì phải có những tổ chức bảo lãnh phát hành có uy tín, có tiềm lực tài chính. Riêng với lĩnh vực ngân hàng, ông Hải cho rằng các ngân hàng đang phải huy động vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn. Để khắc phục vấn đề này, phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên có đề án thu hút đông đảo người dân tham gia thị trường trái phiếu ngân hàng và phải có sự bảo lãnh của Nhà nước khi mua trái phiếu dạng này. Tiền huy động vốn từ trái phiếu ngân hàng sẽ cao hơn tiền gửi tiết kiệm, từ đó sẽ tăng thu hút vốn. Khi tiền vào ngân hàng nhiều sẽ có cơ sở để hạ lãi suất cho vay.

“Ở cấp độ vĩ mô, Bộ Tài chính hay NHNN chưa có công cụ điều tiết dòng tiền. Hiện nay, tiền trong dân rất nhiều, làm sao hướng dòng tiền vào những lĩnh vực có lợi cho nền kinh tế” - ông Hải nói.

TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cũng cho rằng nguồn vốn của nền kinh tế không chỉ có vốn tín dụng từ ngân hàng mà còn từ nhiều kênh khác. Ví dụ kênh TPDN có quy mô lên đến 1,8 triệu tỉ đồng là kênh dẫn vốn cực kỳ quan trọng, mang lại nguồn vốn bền vững, ổn định, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn. Tuy nhiên, các kênh dẫn vốn và nguồn vốn chảy vào nền kinh tế đang nghẽn. Do đó cần có nhiều giải pháp khơi nguồn vốn trung dài hạn này, đáp ứng nhu cầu của DN.

“Ngành ngân hàng không thể mãi lo nguồn vốn trung và dài hạn vì ngân hàng cũng là DN. Nguồn vốn tín dụng không phải để cấp phát như nguồn vốn ngân sách và không hạ được điều kiện tín dụng để cho vay. Ngân hàng thương mại thực hiện đúng chức năng của mình là cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ. Còn kênh vốn trung dài hạn cho nền kinh tế phải qua thị trường vốn, thị trường TPDN, thị trường cổ phiếu…” - vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Lượng trái phiếu phát hành giảm rất mạnh

Bộ Tài chính nhận định thị trường trái phiếu đang gặp khó khăn do sai phạm của một số DN bị cơ quan điều tra phát hiện và một số thông tin thất thiệt đã ảnh hưởng đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư; thanh khoản của cả nền kinh tế gặp khó khăn nên DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và cân đối dòng tiền; lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong thời gian ngắn dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ thị trường chứng khoán sang kênh ngân hàng, nhà đầu tư bán TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm với lãi suất cao.

Thực tế, khối lượng phát hành TPDN giảm. Cụ thể, quý I lượng TPDN phát hành đạt 134.800 tỉ đồng, trong khi đó quý III chỉ có 65.900 tỉ đồng. Còn từ giữa tháng 9, tức sau khi Nghị định 65 có hiệu lực đến cuối tháng 11, các DN phát hành được khoảng 7.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, khối lượng TPDN được mua lại trước hạn đến hết tháng 10 là 122.500 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm