Startup nông nghiệp chưa có bạn đồng hành

(PLO)- Việc tiếp cận các nguồn vốn chính sách và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư không dễ dàng khiến những người làm nông nghiệp thường lấy vốn tự thân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) do Trung tâm BSA sáng lập và vận hành, chuyên tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, có gần 1.100 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) mảng nông nghiệp ra đời. Tuy nhiên, trong các cuộc thống kê những startup được rót vốn đầu tư nhiều nhất thì gần như không có cái tên nào trong lĩnh vực nông nghiệp.

Không dễ để gọi vốn

Sokfarm, một cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, khi phát triển sinh kế cho bà con nông dân thông qua mật hoa dừa. Khởi nghiệp từ năm 2019, Sokfarm đã thu về kha khá giải thưởng khởi nghiệp sáng tạo và chinh phục được thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cho tới nay anh Phạm Đình Ngãi, nhà sáng lập Sokfarm, vẫn chưa một lần gọi vốn.

Trước đây, startup chỉ cần có ý tưởng là có thể gọi vốn thành công nhưng bây giờ ý tưởng đó phải được hiện thực hóa bằng dự án có doanh thu, lộ trình phát triển và chứng minh được cho nhà đầu tư thấy là bạn đủ khả năng và trách nhiệm trước đồng tiền mà họ đổ vào công ty bạn.

NGUYỄN PHI VÂN, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên Thần Đông Nam Á

Lý giải điều này, anh Ngãi cho biết các sản phẩm nông nghiệp thường không có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư bởi tính tăng trưởng chậm. Chính vì thế, các startup nông nghiệp bền vững thường sẽ không vội vàng gọi vốn bởi tính chất của việc làm nông nghiệp là lâu dài, không phải từng quãng thời gian ba hay năm năm như sản phẩm công nghệ.

Bên cạnh đó, Sokfarm chưa vội gọi vốn bởi doanh nghiệp còn nhỏ, đợi khi các kế hoạch về tăng trưởng thị phần hoàn thiện và có đủ kiến thức về gọi vốn thì anh Ngãi mới tính đến việc ấy.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Trồng ớt Buôn Đôn (Đắk Lắk), sở hữu 5 ha ớt theo tiêu chuẩn VietGAP, cho biết bản thân HTX của anh vẫn đang hoạt động bằng dòng tiền cá nhân, gói hỗ trợ của huyện cho các mô hình khởi nghiệp và vay mượn theo lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại.

Từ khi thành lập HTX, anh Tiến may mắn tiếp cận được các gói hỗ trợ không hoàn lại của địa phương và gói vay lãi suất 0,5%/tháng, đối đa 70 triệu đồng của ngân hàng chính sách. Tuy hỗ trợ này chỉ chiếm phần nhỏ trong việc duy trì sản xuất và mở rộng quy mô nhưng “có còn hơn không”. Phần còn lại, anh phải vay theo lãi suất thông thường của ngân hàng để đủ kinh phí duy trì trồng trọt và tiền lương cho bà con nông dân.

“Việc tiếp cận vay vốn lãi suất thấp của ngân hàng chính sách là có thể được, tuy nhiên những startup như chúng tôi khó có thể vay vì thủ tục và phần thẩm định giá khá rườm rà. Nhất là phần định giá tài sản, giá đất ở đây thấp kéo theo số tiền vay cũng ít hơn rất nhiều so với việc tôi đi vay của ngân hàng thương mại” - anh Tiến bày tỏ.

Nông trại dự án ớt VietGAP tại Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: THU HÀ

Nông trại dự án ớt VietGAP tại Buôn Đôn (Đắk Lắk). Ảnh: THU HÀ

Tương tự, anh Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước, chia sẻ bắt tay vào làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi chi phí dành cho sản xuất cao hơn bình thường. Chính vì thế, các đơn vị startup không có nguồn vốn trợ lực phía sau sẽ phải tự thân vận động rất nhiều.

May mắn nhận được nguồn hỗ trợ từ các quỹ khởi nghiệp và chính sách của tỉnh Bình Phước trong việc phát triển mô hình kinh tế khởi nghiệp tại địa phương, HTX của anh Hoàng đã tiếp cận được nguồn tiền hỗ trợ với lãi suất thấp. Đơn cử như quỹ đầu tư của tỉnh có lãi suất 1% với dòng tiền tối đa 300 triệu đồng và 5,13% cho 1 tỉ đồng. Với nguồn vốn này, anh Hoàng có thêm chi phí để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu Bơ Ông Hoàng ra thị trường mới. Tuy nhiên, anh Hoàng cho biết với nông nghiệp sạch, nguồn tiền này chỉ chiếm số ít trong tổng số tiền đầu tư.

“Phải thành thật mà nói việc tiếp cận được các nguồn hỗ trợ không dễ dàng gì. Chúng tôi tiếp cận được là nhờ vào danh tiếng của thương hiệu, người thật, việc thật” - anh Hoàng nói.

Anh Hoàng đánh giá nguồn tiền từ ngân hàng lãi suất cao nên startup không thể gánh nổi, chưa kể vướng mắc về thủ tục và thẩm định giá. Đối với các quỹ đầu tư thì các đơn vị startup nông nghiệp phải có thương hiệu trên thị trường, phải có lợi nhuận lớn thì mới có thể tiếp cận được. Chính vì thế, phần lớn startup đều phải xoay trong dòng tiền tự có hoặc vay dưới dạng cá nhân, chấp nhận lãi suất cao.

Startup phải xác định đúng lý do vay vốn

Lý giải việc vì sao doanh nghiệp startup nông nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn và quỹ đầu tư, bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên Thần Đông Nam Á và là “bà đỡ” của khá nhiều startup Việt, cho rằng niềm tin giữa các startup và nhà đầu tư còn khá thấp nên chưa chọn đồng hành cùng nhau.

Bên cạnh đó, sau đại dịch thì vấn đề gọi vốn đã khó khăn hơn rất nhiều trên toàn thế giới chứ không riêng gì startup nông nghiệp. Các nhà đầu tư cẩn trọng hơn khi lựa chọn, không đầu tư dàn trải, không bỏ vốn đơn thuần cho startup mà muốn nhìn thấy lộ trình tạo doanh thu rõ ràng. Hiện nay, các nhà đầu tư đều quan tâm đến một vấn đề là một startup có khả năng tự phát triển, làm thương mại được hay không.

“Ở đây, startup cần hiểu chúng ta gọi vốn là để phát triển chứ không phải để tồn tại. Nếu gọi vốn để tồn tại thì chắc chắn người ta sẽ không đầu tư, còn gọi vốn để phát triển thì sẽ thu hút được nguồn tiền nếu dự án đó có tiềm năng. Do đó, các bạn startup nông nghiệp cần đặt câu hỏi: Vì sao bạn gọi vốn? Nếu không gọi được vốn là bạn chết thì sẽ không ai bỏ tiền ra cả, còn gọi vốn để lợi nhuận tăng 10 lần, 30 lần thì sẽ khác hẳn” - bà Vân nói.

Sản phẩm của các startup nông nghiệp sạch tham dự hội chợ. Ảnh: THU HÀ

Sản phẩm của các startup nông nghiệp sạch tham dự hội chợ. Ảnh: THU HÀ

Song song với đó, một rào cản nữa khiến các startup nông nghiệp chưa nhận được nhiều nguồn vốn là do người làm startup nông nghiệp thường mạnh về sản phẩm, sản xuất nhưng lại thiếu nhiều kỹ năng khác như phát triển thị trường, làm marketing, thương hiệu, chuyển đổi số, xây dựng mô hình doanh nghiệp số. Chính vì thế, cái lo nhất của nhà đầu tư khi đổ tiền vào startup nông nghiệp là phải đưa ra cho các bạn quá nhiều nguồn lực ngoài chuyện tiền.

“Do đó, khi đi gọi vốn thì phải hiểu mình cần nhà đầu tư tài chính hay là nhà đầu tư về nguồn lực để xác định đúng nguồn tiền kêu gọi. Đây cũng là điều mà các startup không hiểu, các bạn muốn có tất cả nhưng ở đâu ra. Nhà đầu tư chỉ chọn một, các bạn muốn phát triển và thành công thì cần xem lại chiến lược phát triển chứ không phải chiến lược gọi vốn” - bà Vân nhấn mạnh.

Ở một góc độ khác, bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng hiện vẫn ít startup nông nghiệp đi gọi vốn, bởi hầu hết các nhà sáng lập đều không rành chuyện gọi vốn, họ xuất phát từ kỹ sư công nghệ, cơ khí… chứ không phải là người trong lĩnh vực tài chính.

Bà Kim Anh khuyến cáo với lĩnh vực nông nghiệp, các tỉnh, thành và tổ chức phi Chính phủ cũng có nhiều nguồn hỗ trợ về vốn, các startup nên tìm hiểu để tiếp cận các nguồn này.

Ngoài vốn, startup còn cần có “bà đỡ”

Khởi nghiệp mà tự mày mò, học hỏi thì phải trả học phí rất đắt. Nếu có được sự hỗ trợ đúng sẽ giúp dự án đi đúng hướng và sớm thành công. Người trẻ khởi nghiệp nông nghiệp đa phần có nhiệt huyết, giỏi nắm bắt công nghệ, ngoại ngữ nhưng thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ nên rất cần “bà đỡ” để dẫn dắt, làm hậu thuẫn đưa nông sản Việt tiến xa ra thế giới.

Tuy nhiên, để tìm được “bà đỡ” cho dự án thì chủ dự án khởi nghiệp phải chứng tỏ năng lực của mình để có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia và doanh nghiệp đầu ngành nhằm tìm nguồn trợ lực phát triển dự án khởi nghiệp của mình, giúp ích cho cộng đồng nông dân xung quanh.

Ông Đặng Dương Minh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm